Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn học Việt: Sao vẫn chưa trưởng thành?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bức tranh tổng thể của văn học Việt hiện giờ ra sao? Đã có rất nhiều hình ảnh và tiếng vang giành cho nó, chẳng hạn điện ảnh Việt Nam đang còi cọc và ốm yếu trong khu vực,

KTĐT - Bức tranh tổng thể của văn học Việt hiện giờ ra sao? Đã có rất nhiều hình ảnh và tiếng vang giành cho nó, chẳng hạn điện ảnh Việt Nam đang còi cọc và ốm yếu trong khu vực, đến mức dường như có trào lưu khao khát ngôi sao, điện ảnh, mốt và lối sống của Hàn Quốc...

So sánh thấy ngay, tầm vóc từ dân số, xã hội, đến lịch sử, văn hóa thì người Hàn Quốc đâu có lớn vọt gì hơn nhiều so với Việt Nam, vậy mà sao điện ảnh Việt lại chịu lép vế trước phim Hàn Quốc đến vậy? Đã có rất nhiều ý kiến trong nghề chỉ ra: Điện ảnh Việt yếu vì kịch bản văn học yếu.

 

Đó là hướng thứ nhất. Còn các hướng khác nữa, nhiều người ví các tập thơ của Việt Nam không phân biệt chuyên nghiệp hay nghiệp dư, hoặc chơi cho vui, nhiều như những viên sỏi. Giá mà những viên sỏi đó để lát đường thì không nói làm gì? Những viên sỏi còn đòi chỗ đứng trong các tác phẩm tuyển chọn những bài thơ hay của thế kỷ. Họ đã muốn tuyển tập phải nâng độ dày là cả nghìn trang làm sao để ai ai cũng có một chỗ đứng lưu danh cùng lịch sử. Còn tiểu thuyết được coi như máy cái của văn học thì mỗi năm lèo tèo mấy tập đáng đọc còn lại không đọc cũng không tiếc nuối, vì không mang theo sự bứt phá nào lớn hơn. Nếu ví văn học của chúng ta giống như một con chim sáng tạo. Con chim đó dù giữ hay vặt trụi thì chủ yếu là những lông tơ gồm vô vàn bài thơ, có một ít lông ống là truyện ngắn, vài tiểu thuyết và dăm bài tiểu luận phê bình hầu hết ở mức cảm tình, mà chưa thấy lông vũ đồ sộ mấy...


Văn thơ là con đường chủ đạo huyết mạch của một nền văn hóa, tôi rất hiểu cũng như rất thận trọng khi đưa ra đánh giá, bởi vì đánh giá là bình xét những cây bút, những tác giả, những con người tham gia vào cuộc phiêu lưu tìm mảnh đất sáng tạo, vì thế không cho phép ai đó được phiên phiến hoặc ngạo mạn đưa ra đánh giá. Để nhìn văn học nước nhà, chúng ta có thể thấy: Nó vẫn nhỏ bé, chưa trưởng thành được, vì còn bám lấy bản năng. Bản năng này được thể hiện rõ nét và sung túc ở khắp nơi. Có rất nhiều buổi nói chuyện, nhiều bài viết, nhiều khi đưa ra luận điểm: Có học cao chắc gì đã sáng tạo được? Muốn sáng tạo hay thì phải có thiên bẩm! Văn hào Nga Goorky đã từng nói: "Càng có trí tuệ thì càng mạnh" đó là điều không phải bàn cãi. Chính vì do chưa chuẩn bị chu đáo và chín muồi về kiến thức, nên người ta mới biện hộ bằng cách: học cao chưa chắc đã sáng tạo được. Vậy những người có thiên bẩm sáng tạo mà không học cao, kết quả sẽ thành gì? Thiên bẩm trong sáng tạo ở Việt Nam khó có ai vỗ ngực được nhiều hơn nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đó là nhà thơ số 1 lúc trẻ con. Nhưng khi lớn lên, Trần Đăng Khoa đứng số mấy? Có một câu nói rất đúng: "Bí quyết của thành công là luyện tập". Một số các ngành nghệ thuật như múa hay nhạc hoặc ca hát, có thể nói, không luyện tập không cách gì thành công cả. Bản năng ư? Một cây bút sáng tác, có phải khi anh ta trải mình ra tác phẩm, thì tác phẩm sẽ là phản ánh của con người anh? Liệu anh ta không giàu cảm xúc mà tác phẩm lại tràn trề? Anh ta không nhiều trí tuệ mà tác phẩm lại uyên bác?... "Văn là người", văn là hoa trái của chính tác giả, nhà văn không thể phản ánh được cái mà họ không có. Trong văn Việt, thấy rõ nhất là chúng ta còn thiếu và yếu một tầm kiến thức sâu và rộng.


Một nhạc công chơi đàn cần những gì? Tất nhiên là có thiên bẩm. Có luyện tập, chắc hẳn không một nhạc công chuyên nghiệp nào không qua trường lớp mà thành cho dù đó là Mozart hay Beethoven thì họ vẫn là nhạc sĩ tập đàn nhiều nhất, và tối thiểu nhất nhạc công không thể hấp dẫn người nghe nếu chơi không có cảm xúc. Vậy cảm xúc của nhạc công đó phải dồi dào trong bao lâu? nếu anh chơi một bản concerto dài 20 cho đến 120 phút chẳng hạn, thì cảm xúc của anh phải đi trọn cuộc hành trình đó. Còn cảm xúc trong một bài thơ dăm câu, ba vần của chúng ta được đọc trong bao lâu? Có rất nhiều bài đọc không quá 1 phút, thử hỏi sức khoẻ cảm xúc của bài thơ cũng như nhà thơ có bao nhiêu?


Còn câu hỏi tại sao tác giả, tác phẩm của chúng ta chưa trưởng thành? Lý do chính là bởi nó thiếu đối thoại! Vì biểu hiện lớn nhất của con người trưởng thành là đối thoại. Ý kiến không đối thoại mãi mãi chỉ là anh hùng "xó bếp" nằm quanh quẩn trong màn the, như người Việt bảo "khôn ngoan đến cửa quan mới biết". Ý kiến không đối thoại cũng là thứ vĩnh viễn không được tham gia vào hành trình đi tìm công lý. Đó cũng là cách lý giải văn học Việt mới đây đầy rẫy các tác phẩm lặn lội đi tìm dục vọng nằm sâu đáy bản năng, mà không thể coi nó như là một tác phẩm công lý, có sức phổ quát và vọt lớn!


Nếu tác giả không có sinh hoạt đối thoại, cũng như nhân vật trong tác phẩm không có khả năng đối thoại, nghĩa là cấp độ cao nhất của con người, xã hội loài người, giá trị nhân loại, cả tác giả và tác phẩm đều chưa đạt tới. Một con người nổi tiếng hay vĩ đại luôn luôn là người đã đem được mình ra khỏi tầm vóc của mái nhà mình. Anh ta mang mình ra bằng cách nào đây? Chẳng còn cách nào khác ngoài cái ý tưởng cũng như trái tim của mình muốn gia nhập vào khối óc, trái tim của cộng đồng nhân loại.