Nhưng thực tế chính sách này còn không ít rào cản nên sự hỗ trợ hiện vẫn chưa đến được với nhiều DN.
Đếm trên đầu ngón tay
Năm 2012, sản phẩm của Công ty CP chế tạo máy điện Việt Nam - Hungari tiêu thụ rất chậm, mặt khác lại phải đối mặt với hàng Trung Quốc, hàng lậu, hàng nhái của các cơ sở tư nhân có giá bán chỉ bằng 70% giá bán của Công ty. Lãi ngân hàng (NH) chưa giảm, trong khi đó, DN không được hưởng ưu đãi nào trong chính sách thuế với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Càng khó khăn hơn, khi tiền thuê đất đơn vị phải nộp năm 2011 tăng gấp 4 lần năm 2010, số tiền thuê đất nộp thừa năm 2011 lại không được trừ vào số tiền thuê đất tạm nộp của năm 2012. Đáng nói hơn, "đơn vị đủ điều kiện được giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 theo Quyết định 2093, song thủ tục quá phức tạp cùng với thời hạn gấp phải hoàn thiện hồ sơ, nên đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa được xét duyệt", đại diện lãnh đạo Công ty bức xúc.
Cùng cảnh ngộ này, tiền thuê đất năm 2012 của Công ty CP xích líp Đông Anh cao hơn 3 lần năm 2010, tiền thuê đất năm 2012 của Công ty CP hóa dược Việt Nam gấp 6 lần năm ngoái. "Điều này đẩy phí đầu vào của DN tăng chóng mặt, trong khi Bộ Y tế không cho DN được tự điều chỉnh khung giá thuốc", Phó Tổng Giám đốc Công ty CP hóa dược Việt Nam Nguyễn Văn Quý chia sẻ.
Mặc dù đã có chính sách giảm tiền thuê đất nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó. Ảnh: Quỳnh Anh
Không chỉ DN có vốn Nhà nước gặp khó, các DN tư nhân đóng trên địa bàn Hà Tây (cũ) cũng trong tình trạng tương tự. Trước đây, những DN này sử dụng mặt bằng tại các KCN vùng nông thôn với giá thuê rất rẻ, sau khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, họ phải chịu giá "đội" lên hàng chục lần. Điển hình với Công ty TNHH may xuất khẩu DHA (Thanh Oai), tiền thuê đất năm 2012 tăng tới 20 lần so với năm ngoái.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Đến tháng 11/2012, Cục Thuế Hà Nội đã tiếp nhận 171 hồ sơ đề nghị giảm 107.942 triệu đồng tiền sử dụng đất. Thế nhưng chỉ có 3 hồ sơ đủ thủ tục được chấp nhận, giảm được 1.176 triệu đồng. Theo bà Ngân, Nghị định 121 ngày 30/12/2010 điều chỉnh hệ số k từ 0,5 lên 1,5, trong khi giá đất qua các năm đều biến động tăng; Hầu hết tiền thuê đất trong phân kỳ mới (5 năm) của DN đều tăng từ 5 - 7 lần…
Mấu chốt là giảm thủ tục
Có một thực tế, nhà xưởng của nhiều DN Hà Nội là đất cũ tồn tại hàng chục năm, nên chưa được cấp sổ đỏ hay hồ sơ thuê đất, khi "áp" vào Quyết định 2093 sẽ không đủ điều kiện thụ hưởng. Điều này giải thích tại sao TP có hàng ngàn DN nhưng số đơn vị được giảm tiền thuê đất mới… đếm trên đầu ngón tay. Chính phủ gần đây có nhiều nỗ lực hỗ trợ DN, trong đó chính sách giảm thuế thu nhập DN, tuy nhiên, "DNNVV vừa qua hầu như không có lãi nên đâu có nộp thuế mà cần giảm. Quan trọng là giảm tiền thuê đất mới hiệu quả cho nguồn tài chính hạn hẹp của họ", bà Ngân nhấn mạnh.
Mới đây, đồng loạt DN kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định 2093, Bộ Tài chính nởi lỏng quy định trong Quyết định này để DN được thụ hưởng, trên cơ sở tiền thuê đất đã nộp hàng năm theo tạm tính của ngành thuế là giảm 50%.
Bên cạnh đó, nhiều DN đề xuất UBND TP mở rộng đối tượng xét giảm tiền thuê đất theo Quyết định 13 cho cả những trường hợp chưa ký được hợp đồng thuê đất, chưa có quyết định hợp thức quyền sử dụng đất mà vẫn đang chấp hành nghiêm nghĩa vụ với Nhà nước. Còn ông Mai Văn Đới, Tổng Giám đốc Công ty CP nồi hơi Việt Nam cho rằng, "DN đã được giảm tiền thuê đất theo Quyết định 13, song chỉ là "trên giấy tờ", vì thực tế do thủ tục quá phức tạp nên chưa làm xong. Kể cả khi chúng tôi được hưởng giảm tiền thuê đất, giảm lãi suất… nhưng nếu "cầu" trên thị trường chưa tăng thì đời sống người lao động chưa hết khó. Nhà nước cần nới lỏng tín dụng giúp thị trường "ấm" lên, DN mới mong thoát cảnh khốn đốn".