Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi cho chăn nuôi

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn 2 tháng sau khi Chính phủ có chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện hạ lãi suất và tiếp tục cho vay ưu đãi, các trang trại, hộ chăn nuôi vẫn khó tiếp cận với nguồn tín dụng trên. Nếu kéo dài tình hình này, việc tái đàn của người chăn nuôi sẽ gặp nhiều bất lợi và nguy cơ thiếu nguồn cung thịt trong dịp Tết có thể xảy ra.

Chậm đi vào cuộc sống

Ngày 8/8, Chính phủ đã có văn bản giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay cho các trang trại, hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (11%). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, do ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp nên việc tiếp cận với vốn ưu đãi rất khó khăn. Từ tháng 3 đến nay, trang trại của ông lỗ tới 2 tỷ đồng, nếu không được "tiếp sức" về vốn, rất khó duy trì, phát triển sản xuất.

Vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi cho chăn nuôi - Ảnh 1
Không được tiếp sức về vốn, các trang trại và hộ chăn nuôi khó duy trì được sản xuất.
 
Tương tự, với trang trại nuôi 500 con lợn nái và 7.000 gà đẻ, mỗi tháng chi phí thức ăn chăn nuôi đã lên tới 450 - 500 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Lâm thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai cũng đang loay hoay chờ vay vốn ngân hàng. Anh cho biết, hiện nay thủ tục vay vốn ngân hàng khá phức tạp, muốn vay được vốn, ngoài tài sản thế chấp, phải làm đề án sản xuất, trong đó có chứng nhận của địa phương về các điều kiện trang trại, rồi hạch toán kinh doanh lỗ, lãi. "Có những đợt phải mất vài tháng tôi mới nhận được tiền vay vốn" - anh Lâm chia sẻ.

Theo kết quả đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) về triển khai gói tín dụng hỗ trợ cho ngành chăn nuôi, hiện nay đã có một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi và được hạ lãi suất các khoản vay cũ. Tuy nhiên, tỷ lệ tiếp cận được nguồn vốn vay là rất nhỏ bởi các ngân hàng thương mại yêu cầu thế chấp nhưng phần lớn cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình nên không có tài sản thế chấp.

Nhiều nguy cơ

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá lợn xuất chuồng đã bắt đầu tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, lên mức 44.000 - 45.000 đồng/kg và đang chững lại. Tuy nhiên, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi cũng đã tăng 2 lần, tương đương 600 đồng/kg khiến người chăn nuôi tiếp tục bị thua lỗ. Trong khi đó, sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn đang phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Trong 9 tháng đầu năm 2012, cả nước nhập 45.000 tấn thịt các loại. Thực trạng trên cộng với việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tiếp tục đầu tư sản xuất đã khiến khả năng tái đàn phục vụ thị trường Tết của người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát gia cầm nhập lậu qua biên giới, từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8, giá gia cầm trong nước tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tình hình này chỉ diễn ra được 3 tuần, sau đó tình trạng nhập lậu gia cầm lại tái diễn, khiến giá gia cầm hiện xuống thấp hơn giá thành 5.000 - 7.000 đồng/kg. "Với giá thấp như vậy, người chăn nuôi lo ngại thua lỗ không dám tái đàn nên nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, gà những tháng cuối năm có thể xảy ra" - ông Sơn lo ngại.

Để giúp các trang trại, hộ chăn nuôi có điều kiện tiếp tục sản xuất và tái đàn, Bộ NN&PTNT cùng với Ngân hàng Nhà nước cần tháo gỡ kịp thời khó khăn về nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời, các ngành chức năng và địa phương cần quyết liệt vào cuộc kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập khẩu.

Nếu không sớm giải quyết vấn đề tín dụng cho chăn nuôi sẽ dẫn đến việc người chăn nuôi không trả nợ được ngân hàng và khả năng thiếu thịt vào cuối năm sẽ xảy ra. Khi đó một nghịch lý xảy ra là chúng ta phải nhập thịt trong khi chuồng trại của nông dân bỏ không. - Ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT