Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn không ít băn khoăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương cải tiến thi tốt nghiệp THPT từ 6 môn giảm xuống còn 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) của Bộ GD&ĐT đang được dư luận đồng tình ủng hộ.

 Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn lo ngại học sinh (HS) học "tủ", học "lệch", rồi việc miễn 20% không phải thi tốt nghiệp liệu có tạo kẽ hở cho tiêu cực? 

Chưa nên bắt buộc thi Ngoại ngữ

2 phương án thi tốt nghiệp mà Bộ GD&ĐT đưa ra là: Phương án 1, HS sẽ thi 4 môn (2 bắt buộc, 2 tự chọn) và môn Ngoại ngữ không thuộc danh sách môn thi chính. Phương án 2, HS thi 5 môn, trong đó Ngoại ngữ là một trong 3 môn bắt buộc cùng với Toán, Ngữ văn… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không nên xếp Ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc vì điều kiện dạy - học có sự chênh lệch giữa các vùng miền.

Ông Nguyễn Văn Quý - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, ủng hộ phương án 1: "Quan điểm của tôi, HS thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn, ngoài ra HS có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, với phương án này, tôi băn khoăn ở việc cho HS lựa chọn 2 môn, dễ dẫn đến các em học tủ, học lệch. Theo tôi, việc chọn thi 2 môn còn lại nên do Bộ GD&ĐT tổ chức bốc thăm, như vậy HS sẽ có ý thức học toàn diện các môn học".
 
Các thí sinh thi tốt nghiệp tại Hội đồng thi Việt Đức.  	Ảnh  Linh Anh
Các thí sinh thi tốt nghiệp tại Hội đồng thi Việt Đức. Ảnh Linh Anh

GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, 6 môn thi như hiện tại đang tạo áp lực nặng cho HS, trong khi hiệu quả chưa như mong đợi. "Tôi đánh giá cao phương án đổi mới thi tốt nghiệp mà Bộ mới công bố. Cái được của phương án đưa ra là số lượng môn thi giảm xuống, giảm áp lực cho HS. Tuy nhiên, theo tôi ở giai đoạn này không nên để Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, bởi hiện nay vấn đề dạy - học Ngoại ngữ trên cả nước không đồng đều, HS TP đủ điều kiện học tập thì ở vùng sâu, vùng xa thậm chí còn thiếu sách để học. Ngoài ra, chất lượng giáo viên cũng chưa đạt yêu cầu, nếu đưa Ngoại ngữ thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc trong thời điểm hiện nay sẽ không khả thi. Số lượng môn thi bắt buộc, tự chọn như vậy là ổn. Còn môn Ngoại ngữ, HS nào tự tin thì đăng ký thi để được cộng điểm. Còn sau này, nhất định phải là môn thi bắt buộc vì yêu cầu nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập thế giới" - GS Phạm Minh Hạc phân tích.

Miễn thi 20% dễ nảy sinh tiêu cực?

Việc Bộ GD&ĐT dự kiến mở rộng đối tượng được miễn thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ không quá 20% ở mỗi địa phương khiến không ít nhà quản lý, chuyên gia giáo dục băn khoăn, lo ngại sẽ có kẽ hở cho tiêu cực nảy sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, chỉ nên áp dụng cho HS đoạt giải hoặc có kết quả khá trở lên trong các kỳ thi HS giỏi từ cấp tỉnh trở lên. Còn PGS Văn Như Cương - Hiệu  trưởng trường THPT Lương Thế Vinh lại băn khoăn, nếu xác định đúng 20% thì không cần thiết phải miễn, vì 20% này chắc chắn đỗ. "Nếu để 20%, tôi e ngại sẽ có kẽ hở cho tiêu cực ở chỗ "chạy" vào 20% ấy" - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh. Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng kiến nghị nên bỏ miễn thi 20%: Việc thi tốt nghiệp là phải làm nghiêm túc với 2 môn Văn, Toán và 2 môn tự chọn. Làm thật chặt việc thi và việc thi chỉ hiện lên năng lực thực sự của học trò. Nếu làm tốt vài năm sẽ tác động đến việc học của học trò.

Trước câu hỏi nên hay không nên thực hiện việc miễn thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ không quá 20%, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phân tích: "Bây giờ khác trước đây là miễn thi thì mọi người phấn đấu để đạt được tỷ lệ đó. Muốn có anh miễn thi thì phải tìm ra anh không miễn thi. Việc đó chính là trường làm, Sở chỉ ra tiêu chí. Vì trường sát sườn người dạy, người học, tức là tăng vai trò giám sát, tăng trách nhiệm của người dạy, người học và phụ huynh. Cách nghĩ như vậy sẽ làm cho việc đánh giá HS đúng hơn, không chạy theo thành tích".

 
"Chúng ta đã có lộ trình thực hiện Đề án ngoại ngữ đến năm 2020, vậy mà Ngoại ngữ chỉ là môn khuyến khích, liệu có làm động cơ dạy - học bị chùng xuống hay không? HS sẽ coi nhẹ môn học?".Ông Nguyễn Quốc Bình Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội)