Thực trạng tồn tại từ lâu nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nào được nêu lên tại Diễn đàn "Thương hiệu quốc gia (THQG) với sản phẩm địa phương" - một trong những nội dung quan trọng của Tuần lễ THQG. Phát triển sản phẩm đặc sản địa phương còn hạn chế Diễn đàn "THQG với sản phẩm địa phương" do Cục Xúc tiến Thương mại, Hội đồng THQG Việt Nam tổ chức ngày 13/7, theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, được diễn ra trong bối cảnh các địa phương đang nỗ lực kết hợp phát triển kinh tế với việc chú trọng xây dựng hình ảnh về địa phương, vùng miền gắn với chỉ dẫn địa lý để nâng cao hình ảnh quốc gia trong con mắt cộng đồng quốc tế. Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về xây dựng thương hiệu, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (trường Đại học Thương mại) cho biết, hiện đã có trên 80 nước có Chương trình phát triển THQG. Việt Nam cũng đã xây dựng và đang triển khai chương trình này.
Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài nhưng gần như lại không mang thương hiệu của một DN nào, từ con cá tra cho tới quả vải thiều, từ hạt gạo cho tới quả thanh long... đều dưới tên gọi "sản phẩm của Việt Nam". "Chúng ta rất khó có được ngay các thương hiệu lớn tầm quốc gia như Nokia hay Samsung..., nên bước đầu phải đoàn kết, gắn kết qua sản phẩm nhìn thấy được ngay là sản phẩm Việt Nam" - ông Thịnh nhận định. Đồng tình với ý kiến này, đại diện lãnh đạo một số địa phương có những sản phẩm đặc sản như Hưng Yên (nhãn lồng), Bắc Giang (vải thiều), Hòa Bình (cam Cao Phong)... thừa nhận việc phát triển sản phẩm đặc sản địa phương vẫn hạn chế. Nhiều nơi còn chưa đăng ký về chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, việc tiêu thụ mới chủ yếu dựa vào thương lái. Ở khía cạnh khác, nếu biết gắn kết Chương trình THQG với việc xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch sẽ mang lại hiệu quả nhanh và thiết thực. Bởi các điểm đến du lịch giúp du khách trải nghiệm với con người, với danh lam, thắng cảnh, vì thế sẽ có ngay những ấn tượng về sản phẩm. Nhưng trong 63 thương hiệu đạt THQG năm 2014 mới chỉ có 2 thương hiệu liên quan tới du lịch. Mỗi địa phương cũng chưa thực sự nỗ lực hết mình trong việc tạo dựng thương hiệu cho các điểm đến du lịch. Đó là thực trạng làm ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực xây dựng THQG. Phải tận dụng mọi cơ hội Chương trình THQG ngoài việc lựa chọn các thương hiệu dẫn đầu như hiện nay, cần lựa chọn, khai thác sản phẩm độc đáo, có chỉ dẫn địa lý ở các địa phương, tích hợp các giá trị, tri thức bản địa và thương mại hóa. "Việc mở rộng THQG, mở rộng các thương hiệu tập thể mang chỉ dẫn địa phương, vùng miền sẽ có tính khuếch trương rất mạnh" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định. Ông Stephen Kreppel - chuyên gia xây dựng THQG thuộc Công ty Tư vấn National Consultancy đánh giá, các nền kinh tế tại châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… hiện đã có bước tiến nhất định trong việc quảng bá sản phẩm của mình ra thế giới. Việt Nam đã bỏ phí hơn 20 năm đổi mới chỉ đóng khung trong vai trò gia công. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể đạt được những kết quả khả quan nếu biết khai thác các thế mạnh của sản phẩm đặc trưng của địa phương, có chiến lược quảng bá ra thị trường. Điều đó cho thấy hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm địa phương nếu biết cách làm, tận dụng được các cơ hội. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm địa phương rất cần phải có một đầu mối chung, đó chính là khai thác được thế mạnh của THQG gắn với các chỉ dẫn địa lý. "Thương hiệu sản phẩm gắn với các vùng miền sẽ có tác dụng quan trọng thúc đẩy xuất khẩu. Cho nên sắp tới, Bộ Công Thương sẽ đưa vào chiến lược thúc đẩy xuất khẩu, gắn kết thương hiệu vùng miền với THQG" - ông Hải nhấn mạnh.
Người tiêu dùng chọn mua vải thiều Thanh Hà tại điểm bán lẻ của Hapro. Ảnh: Hoài Nam |