Va chạm, ùn tắc, vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm, các loại phương tiện dừng đỗ lộn xộn, gây mất ATGT, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường lâu nay vẫn diễn ra ở khu vực phố cổ. Đặc biệt, khi xã hội ngày càng phát triển, khách du lịch trong và ngoài nước có nhu cầu đến tham quan Hà Nội ngày một tăng. Vì vậy, vấn đề bảo đảm ATGT tại khu vực trung tâm Thủ đô càng trở nên cấp thiết. Tiềm ẩn xung đột Phố cổ Hà Nội không chỉ là nơi tập trung đông dân cư sinh sống mà còn là khu vực có mật độ giao thông lớn nhất. Đặc biệt, nơi đây có đủ các loại hình phương tiện tham gia giao thông. Từ đi bộ đến xe đạp, xe máy, ô tô lớn nhỏ, xe buýt còn có cả các phương tiện xe điện, xích lô phục vụ khách du lịch. Ví như tuyến phố Hàng Lược - Hàng Cân, Lương Văn Can, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Ngang - Hàng Đào - Đồng Xuân... có độ dài trung bình từ 300 - 800m, khảo sát trong một giờ các tuyến phố này, có từ 2.000 - 3.500 lượt xe máy lưu thông, 10 - 30 lượt xích lô, 50 - 100 lượt xe đạp, 20 - 30 lượt xe điện và luôn có hàng trăm người đi bộ.
Phố Hàng Đào, nơi tập trung mua bán sầm uất tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh |
Trong khi đó, điều kiện và chất lượng đường của khu phố cổ không cao. Phần lớn là nhỏ hẹp lại rộng không đồng đều. Lòng đường chủ yếu rộng 6,5 - 7m, vỉa hè 1 - 1,5m, song lại luôn bị lấn chiếm để bán hàng, đỗ xe. Đặc biệt, tại các nút giao, do bề rộng lòng đường không đủ nên hiện tượng xung đột giao thông thường xuyên xảy ra, xe cộ chen lấn, người đi bộ phải đi xuống lòng đường gây nguy hiểm, mất ATGT. Bên cạnh các hạn chế về cơ sở hạ tầng, ý thức người tham gia giao thông tại phố cổ còn rất kém. Việc đỗ xe trái phép dưới lòng đường và trên vỉa hè diễn ra rất phổ biến tại các tuyến Hàng Ngang - Hàng Đào, Hàng Lược - Lương Văn Can... Thêm vào đó, tốc độ di chuyển chung của dòng phương tiện chậm, nhiều người khi tham gia giao thông thường chở quá số người quy định, chở đồ cồng kềnh, không đội mũ bảo hiểm, ít tuân thủ đèn tín hiệu giao thông khi chuyển hướng tại các điểm giao cắt... Đặc biệt, phố cổ là nơi tập trung nhiều hàng quán kinh doanh buôn bán nên lượng rác thải sinh hoạt và rác thải kinh doanh ở đây rất lớn, người dân lại thường xuyên xả rác trực tiếp ra lòng đường, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Với tất cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan nêu trên, phố cổ thực sự là nơi tiềm ẩn xung đột, va chạm, mất ATGT. Một nơi chật đường, chật phố và ý thức kém của một bộ phận người dân. Hướng đến văn minh đô thị Hướng đến một xã hội văn minh, an toàn, nhất là với một nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của Thủ đô như phố cổ thì càng cấp thiết và đòi hỏi cao hơn. Để thực sự giải quyết được vấn đề cần cả những giải pháp mạnh lẫn mềm mỏng. Nói đến phố cổ người ta thường nghĩ đến 36 phố phường với mạng lưới giao thông kiểu ô bàn cờ với nhiều điểm giao cắt. Trong khi đó, khoảng cách giữa các nút không lớn dẫn đến xung đột, ùn tắc cục bộ hay xảy ra. Chất lượng đường chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Thêm vào đó, phố cổ cũng là nơi tập trung kinh doanh buôn bán sầm uất, người dân qua lại mua sắm, khách du lịch đến tham quan nhiều nên luôn có một lượng phương tiện lưu thông lớn. Do đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, trật tự cần nâng cao trách nhiệm trong việc điều tiết, hướng dẫn giao thông và giải tỏa ách tắc. Chú trọng rà soát, nâng cấp sửa chữa, khắc phục các vấn đề về chất lượng hè, đường, đảm bảo di chuyển an toàn, dễ dàng, thông thoáng. Tổ chức, bố trí lại khả năng điều khiển tại các nút giao cho hợp lý. Thêm vạch sơn dành cho người đi bộ trên tất cả các tuyến đường, hoặc sử dụng các hệ thống đèn tín hiệu. Những bất cập như lấn chiếm vỉa hè, dựng đỗ xe và bán hàng dưới lòng đường, vỉa hè cần được kiểm tra, giám sát thường xuyên, siết chặt quản lý và giao trách nhiệm về tận các cấp cơ sở, phường, tổ dân phố. Với hàng rong, các cơ quan quản lý cần vận động, quán triệt, thu gom phân bổ về các chợ. Bên cạnh đó, có quy chế nhắc nhở, nghiêm khắc xử phạt nặng với hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trên hết vẫn cần chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và ý thức tham gia giao thông của người dân. Để người dân nhìn nhận rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc giữ gìn sự an toàn khi di chuyển cho bản thân, cộng đồng, hướng đến đô thị văn minh, hiện đại. Duy trì bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của phố cổ. Chỉ khi mỗi người tự nhận thức được điều đó, thấy mình cần phải thay đổi bằng hành động thiết thực thì vấn nạn ùn tắc, mất ATGT tại khu phố cổ nói riêng, Hà Nội nói chung mới được cải thiện.