Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn nên có điểm ưu tiên

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước bức xúc trong dư luận về chính sách cộng điểm ưu tiên vào đại học (ĐH), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp Lê Đông Phương khẳng định, vẫn nên có điểm ưu tiên, nhưng kịch trần thang điểm...

Cộng đến 30 hay 31?
 Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp Lê Đông Phương
Ông có ý kiến gì khi thí sinh ở TP đạt 28 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa, trong khi có em ở miền núi cùng điểm lại đỗ vì được cộng điểm ưu tiên?
- Chính sách cộng điểm ưu tiên đã tồn tại mấy chục năm và được xã hội chấp nhận. Trước đây có lúc điểm ưu tiên được cộng tối đa lên tới gần 5 điểm, nhưng nay giảm còn 3,5. Cộng điểm ưu tiên là nỗ lực của Nhà nước nhằm giúp những người thiệt thòi có cơ hội hơn để đua chen cùng bạn bè dưới xuôi. Vì thế, chúng ta không nên tranh luận về chuyện công bằng hay không công bằng. Chỉ có điều, năm nay, điểm thi THPT quốc gia tương đối đồng đều, khu vực điểm cao và thấp đều có và mọi người cứ nghĩ thí sinh đạt 27 - 28 điểm là quá xuất sắc. Thực ra không phải. Ngày xưa, cũng có điểm ưu tiên, nhưng người ta không bàn luận vì các cháu chủ yếu đạt 24, 25 điểm, cộng thêm 3 điểm thành 28 là vừa đủ vào trường top trên. Các cháu ở Hà Nội thi đạt 27 điểm cũng trúng nên mọi người không nhắc. Nhưng năm nay, các cháu ở Hà Nội có điểm nhích về phía 28, 29 thì mọi người bức xúc nói không công bằng là không đúng. Và mọi người cũng giật mình khi thấy điểm trúng tuyển của một số ngành vượt thang điểm 30.
Vấn đề đặt ra là cộng điểm ưu tiên thế nào cho phù hợp với thang điểm truyền thống 30 của tổ hợp 3 môn?
- Quan điểm của tôi là cần cộng điểm ưu tiên. Vấn đề là các cơ quan quản lý Nhà nước nên xem việc đặt lại mốc ưu tiên và có nên cộng điểm ưu tiên quá 30 điểm hay không. Ví dụ, thí sinh được 27 điểm, được cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên thành 30,5. Hay chúng ta chỉ cộng hết điểm ưu tiên đến ngưỡng trần 30 của hệ thống điểm thi 3 môn là dừng? Mặc dù các cháu rất xứng đáng được điểm ưu tiên, nhưng khi cộng vào lên tới 30,5 hay 31 thì lại không hợp về mặt logic của con người. Đây là câu chuyện xã hội cần thảo luận nhiều và các cơ quan đại diện cho Chính phủ đi đến quyết định. Tôi biết, nhiều nước trên thế giới áp dụng theo nguyên tắc ưu đãi tối đa kịch trần, thay vì cộng theo số học. Đấy cũng có thể là một cách giải quyết được câu chuyện người ta băn khoăn tại sao các cháu được trên 30 điểm.
Điểm cao vẫn trượt vì sai khi chọn ngành
Có những ý kiến đề nghị chỉ nên cộng điểm ưu tiên cho đối tượng ở miền núi và hải đảo, học sinh vùng đồng bằng có điều kiện không khác nhiều so với TP thì bỏ chế độ này, thưa ông?
- Ai nói như vậy thì tôi khuyên họ đi bộ 50km ra khỏi Hà Nội để xem trường học ở đó thế nào. Tôi đồng ý nhiều vùng đồng bằng rất tốt và có điều kiện phát triển. Nhưng ngay ở Nam Định cách Thủ đô gần 100km, trường học không tốt, điều kiện tiếp xúc mạng internet cũng khác. Ở Hà Nội và vùng lân cận, gia đình nghèo mua cái điện thoại thông minh không khó. Chỉ cách Hà Nội 100km, có cháu chưa bao giờ được sờ tay vào bàn phím máy vi tính. Tôi từng chứng kiến có những em học môn Tin học bằng cách vẽ bàn phím ra giấy rồi học đánh máy, vì mỗi kỳ chỉ có 2 lần lên lớp. Vì thế, vẫn phải duy trì chính sách ưu tiên cho học sinh khu vực 2 nông thôn.
Chúng ta đào tạo theo địa chỉ, để những em thuộc diện ưu tiên có điểm thấp hơn được theo học, để tạo ra sự công bằng cho thí sinh TP đạt điểm cao?
- Đào tạo theo địa chỉ hay cử tuyển có những bất cập. Rất khó để ông Chủ tịch tỉnh nào công bố 10 năm nữa sẽ cần bao nhiêu kỹ sư điện tử. Tập đoàn Samsung đặt 2 nhà máy ở Bắc Ninh và mở 1 công ty ở Thái Nguyên đã có hàng vạn người ở nơi khác rầm rập đến xin việc. Khái niệm đào tạo theo địa chỉ chỉ phù hợp với khu vực công. Tuy nhiên, có những dịch vụ công ích, địa phương nắm được trong tay nhưng cũng không làm được, điển hình là giáo dục và y tế. Hơn nữa, bây giờ là kinh tế thị trường, chúng ta không thể bắt ép các cháu học theo ý mình. Cháu ở miền núi thích học ngoại ngữ thì mình cũng đồng ý, chẳng lẽ lại nói tỉnh nhà không có nhu cầu? Vì thế, mọi người nên đừng nghĩ ôi tiếc quá, tại sao có những cháu đạt 27, 28 điểm vẫn trượt ĐH. Bởi các cháu đã chọn sai.
Ông có thể đưa ra dẫn chứng về việc chọn sai?
- Câu chuyện của năm nay có mấy yếu tố dẫn đến các cháu chọn sai trường. Thứ nhất, điểm thi THPT quốc gia giãn đều hơn so với mọi năm, có nhiều điểm cao và điểm thấp. Tôi cho rằng đó là thành công của năm nay nhưng dẫn đến ảo tưởng. Chúng ta cho rằng những cháu đạt 3 điểm 9 là giỏi vì những năm trước rất hiếm có. Năm nay phổ điểm khác nhưng họ vẫn tư duy theo kiểu cũ. Yếu tố thứ hai tác động đến sự lựa chọn ngành của thí sinh, đó là điểm sàn của Bộ GD&ĐT 15,5 thì có đến hơn 2/3 số trường quy định ngưỡng đăng ký xét tuyển ngang bằng hoặc nhỉnh hơn một chút. Rất ít trường lấy ngưỡng đăng ký xét tuyển là 20 điểm. Vì thế, các cháu ảo giác mình được 27, 28 điểm, rất tài giỏi cho nên xoay hết nguyện vọng vào những ngành hot và bị trượt. Và giá như không có tuần chuyển đổi nguyện vọng thì mọi chuyện không đến nỗi thế này. Cho nên dẫn đến câu chuyện, trong số khoảng 300 trường do Bộ GD&ĐT quản lý, hiện có hơn một nửa tuyển đủ chỉ tiêu; số còn lại là những trường top dưới đang bị thiếu vì bị thí sinh lờ đi, không thèm để ý.
Xin cảm ơn ông!

Thí sinh làm bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 tại Hội đồng thi trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa.  Ảnh:  Thanh Hải

Chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay. Quy định này cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… có điều kiện sống, học tập khó khăn hơn rất nhiều so với những em sống ở TP. Khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi, quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp.