Kinhtedothi - Kinh tế trong nước trên đà phục hồi tốt, song tình trạng DN ngừng hoạt động vẫn tăng trong năm 2014, quy mô DN ngày ngày bị thu hẹp, tỷ lệ thua lỗ ngày càng cao... Thực trạng này đã được nêu rõ trong Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2014 do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 15/4 tại Hà Nội.
Nhiều chỉ số ở mức thấp
Chia sẻ về kết quả của Báo cáo, TS Lương Minh Huân (Viện Phát triển DN – VCCI) cho biết, hiệu quả sử dụng lao động của khu vực DN trong giai đoạn 2007 - 2013 không những không được cải thiện mà còn giảm đi, từ 17,3 lần năm 2007 xuống còn 15,7 lần năm 2013. Điều này chủ yếu là do tiền lương ngày càng tăng lên, nhưng chất lượng của lao động chưa tăng tương xứng.
Các chỉ số về khả năng thanh toán của DN ít được cải thiện. Hiệu quả sử dụng vốn vẫn ở mức thấp và không có dấu hiệu cải thiện. Tỷ lệ DN thua lỗ tiếp tục tăng cao trong năm 2013, chiếm 44,9%, mức cao nhất trong giai đoạn 2007 -2013, trong khi hiệu suất sinh lợi của các DN giảm mạnh, nhất là DN ngoài Nhà nước. Chính điều này dẫn đến tình trạng DN ngừng hoạt động vẫn tăng cao trong năm 2014. Xét theo ngành nghề kinh doanh thì thông tin truyền thông và nông nghiệp là 2 ngành có hiệu suất sinh lời cao nhất, xây dựng và bán lẻ thấp nhất.
Còn theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, Việt Nam đang thiếu hụt lực lượng các DN ở quy mô vừa. Có đến 99% DN siêu nhỏ là DN ngoài Nhà nước. Báo cáo thường niên về DN năm 2014 cũng chỉ ra rằng, quy mô của DN càng nhỏ thì càng khó tham gia được vào chuỗi cung ứng. “Những kết quả trên đã cho thấy, các DN Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn và cần phải tiếp tục tái cơ cấu để có thể trụ vững và phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong thời gian tới” - ông Huân nhấn mạnh.
Lo ngại lĩnh vực nông, lâm, thủy sản
Dù là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhưng số DN trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ là 3.635 DN (năm 2013), chiếm 1% và có xu hướng giảm. Trong đó, nông nghiệp là ngành có tỷ trọng cao nhất về số lượng DN, với 1.707 DN năm 2013, chiếm 47% số DN trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; tiếp đến là thủy sản với 1.296 DN (chiếm 35,7%) và lâm nghiệp với 632 DN (chiếm 17,3%).
Các DN ngoài Nhà nước đang dần khẳng định vị thế và vai trò của mình trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, nhưng khu vực DN này mới chỉ chiếm đa số về số lượng, còn về lao động và tài sản vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ hơn khu vực DN Nhà nước. Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ít đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chiếm 3% tổng số DN trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và chiếm 1,09% tổng số DN FDI trong nền kinh tế. Riêng ngành chăn nuôi vẫn dựa chủ yếu vào các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ và chưa thu hút được sự quan tâm của DN. Ngành này mới chỉ thu hút được khoảng 400 DN tham gia. Các DN FDI đang ngày càng chiếm thị phần quan trọng trong ngành. Tương tự, số lượng DN trong khâu chế biến sản phẩm từ chăn nuôi cũng hạn chế. Các DN chế biến thường tập trung nhiều ở khu vực đông dân cư, gần với thị trường tiêu thụ, hơn là với nguồn nguyên liệu đầu vào.
Theo ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi tổng hợp của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức như: Năng lực DN yếu, thị trường thức ăn chăn nuôi bị phụ thuộc, thiếu con giống và nguồn cung cấp con giống chất lượng, thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi, vấn đề rủi ro về dịch bệnh, thiên tai, VSMT... Đồng tình với kiến nghị của Báo cáo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, để khắc phục những hạn chế này, việc liên kết theo chuỗi sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến người tiêu dùng cần được chú trọng hơn nữa.
Dự cảm tốt về năm 2015
Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2014 cũng đưa ra Chỉ số động thái DN cho biết đánh giá cảm nhận của các DN về tình hình sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các DN dự cảm tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2015 sẽ tốt hơn 2014. Nguyên nhân là do tất cả các yếu tố thành phần đều được dự cảm sẽ tốt hơn, bao gồm cả yếu tố doanh thu, giá bán, lợi nhuận, năng suất lao động, đơn hàng...
Nhằm tạo điều kiện cho các DN phát triển trong năm 2015, các chuyên gia của VCCI khuyến nghị, ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục tái cấu trúc kinh tế là điều kiện tiên quyết. Những rủi ro về thị trường xuất khẩu và điều chỉnh chính sách đột ngột vẫn luôn là nỗi lo lắng của DN. Vì vậy, Chính phủ cần có những điều chỉnh phù hợp, có lộ trình thay đổi rõ ràng, nhất là đối với xăng dầu, điện, tỷ giá... Ngoài ra, cần phải xây dựng khuôn khổ chính sách để khắc phục “sự thiếu vắng DN quy mô vừa”; hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư; hỗ trợ tài chính cho DN; tập trung các giải pháp nâng cao năng suất lao động.
Năm nay, với chủ đề “Phát triển DN trong kinh doanh nông nghiệp”, Báo cáo cũng kiến nghị các chính sách để phát triển ngành kinh doanh nông nghiệp tổng hợp như thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khuyến khích hoạt động nông nghiệp theo hợp đồng, khuyến khích ngành công nghiệp bao bì đóng gói, đẩy nhanh việc hình thành cụm liên kết công - nông nghiệp...
Chế biến thủy sản tại Công ty Bình An. Ảnh: Huy Hùng
|