Vốn thấp, phân bổ không đều Đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay NNNT toàn quốc chiếm tỷ trọng 18,12% tín dụng chung đối với nền kinh tế. Ước tính đến tháng 8/2016 đạt khoảng 900.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn vốn này chưa đáp ứng yêu cầu khi gần 80% dân số sống ở nông thôn dựa vào nông nghiệp. Cơ cấu cho vay còn bất cập, hầu hết các khoản vay là ngắn hạn, vay nhỏ lẻ, chất lượng tín dụng chưa đồng đều, tập trung ở một vài DN lớn, ở nhiều nơi sản xuất vẫn khó khăn, khó tiếp cận.
Lãnh đạo Sacombank chia sẻ, hiện tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu thuộc về các NH thương mại Nhà nước. Sản xuất nông nghiệp lại là một lĩnh vực có tính rủi ro cao, chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh…, chỉ cần có vài khoản nợ xấu, lợi nhuận của chi nhánh sẽ bằng 0. Thực tế, các NH đã bỏ ra rất nhiều chi phí để cho vay trong NNNT, vốn cho vay thì nhỏ lẻ trong khi thu hồi nợ rất khó. Vì thế, NH rất “ngại” khi cho vay vốn đầu tư vào NNNT. BIDV dành 16% nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có tới 83% khoản vay là ngắn hạn, chỉ có 17% là trung, dài hạn. “Cho vay lĩnh vực nông nghiệp khá rủi ro, muốn vay trung, dài hạn, người vay phải có kế hoạch kinh doanh cụ thể. Nhưng phần lớn nông dân Việt Nam lại sản xuất nhỏ lẻ, vay theo mùa vụ” - ông Lê Ngọc Lâm - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết. Gặp khó với tài sản đảm bảo Ông Thế Lãm William - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và Xúc tiến thương mại Toàn cầu cho biết, 16 năm tham gia xuất khẩu nông sản nhưng chưa bao giờ Công ty vay được vốn NH. “Rất nhiều lần gõ cửa NH thương mại từ quốc doanh tới cổ phần, nhân viên tín dụng đều hỏi có tài sản thế chấp không? Khi biết tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, không NH nào mặn mà dù hoạt động kinh doanh những năm qua của chúng tôi rất tốt” - ông Lãm bộc bạch. Khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, có tới 83% người dân vay vốn ngắn hạn. 60% số người vay vốn là khoảng 50 triệu đồng, họ cũng muốn vay vốn dài hạn nhưng không vay được vì không có tài sản thế chấp. “Nghị định 55/2015/NĐ-CP cho phép vay vốn không cần tài sản thế chấp, nhưng yêu cầu nộp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho NH, trong khi có nhiều hộ gia đình, HTX thuê đất để canh tác nên dù NH muốn cho vay cũng không thể được vì không đủ thủ tục” - TS Cấn Văn Lực đánh giá. "Tuy NH Nhà nước đã chỉ đạo tăng cường cho vay tín chấp trong NNNT nhưng cho vay tín chấp không hề dễ, bởi DN và người dân không đủ thông tin minh bạch cho NH thì không thể cho vay được” - ông Lực phân tích. Theo ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NH Nhà nước), Chính phủ, NH Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích cho vay nông nghiệp, các NH cho vay nông nghiệp lớn được giảm dự trữ bắt buộc và được ưu tiên thông qua hình thức tái cấp vốn. Tuy vậy, ông Đông cũng thừa nhận, mặc dù có cơ chế bảo lãnh, có các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, nhưng việc triển khai thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhiều cho nhu cầu vay vốn của người dân.
Làm thủ tục cho người dân vay vốn tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trần Việt |
Theo báo cáo của Agribank, đến ngày 31/12/2015, dư nợ cho vay NNNT của NH này đạt 444.660 tỷ đồng, chiếm 71% tổng dư nợ. VietinBank cho vay NNNT giai đoạn 2010 - 2015 bình quân mỗi năm đạt 116.000 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 9/2016, cho vay NNNT chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ của VietinBank. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng các NH chủ yếu tập trung vào khâu chế biến, tiêu thụ. Tín dụng cho khâu sản xuất, đầu tư đổi mới khoa học, công nghệ; hiện đại hóa quy trình sản xuất kinh doanh theo chiều sâu, với những dịch vụ có giá trị gia tăng cao... còn hạn chế. |