Ngang nhiên vi phạm
Trong các chuyến thị sát việc quản lý, tổ chức lễ hội, lãnh đạo Bộ VHTT&DL đều lưu ý địa phương quan tâm hướng dẫn người dân đặt, để tiền lễ đúng nơi quy định. Đồng thời, quản lý chặt không để xảy ra các hiện tượng đổi tiền lẻ "ăn" chênh lệch tại các điểm di tích, lễ hội. Thế nhưng, việc đổi tiền lẻ vẫn diễn ra ngang nhiên.
Ngay tại Hà Nội, dù Sở VHTT&DL liên tục phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, chấn chỉnh vi phạm, nhưng Phủ Tây Hồ dịp đầu năm vẫn đầy rẫy các tủ kính bày la liệt tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng... Chủ của các quầy hàng công khai đổi tiền "ăn" chênh lệch. Và khi du khách mới đặt chân đến "vùng đất của lễ hội" chùa Hương đã bắt gặp 5 - 7 người vai đeo bị, tay cầm sấp tiền lẻ, chạy theo mời chào. Chính vì vậy, ngay sau khi lễ hội chùa Hương khai màn được hơn một tuần, UBND huyện Mỹ Đức, Sở VHTT&DL Hà Nội đã bị Chủ tịch UBND TP Hà Nội phê bình vì để tái diễn tình trạng nhếch nhác, phản cảm, trong đó có đề cập tới dịch vụ đổi tiền lẻ tràn lan trong khu vực lễ hội.
Rồi trong lễ hội đền Trần (Nam Định), hàng ngàn người tìm cách nhét tiền lẻ vào kiệu rước ấn. Thậm chí, không tiến được gần kiệu, người đi lễ cầm cả nắm tiền lẻ ném lên kiệu. Tại Bắc Ninh, Sở VHTT&DL đã đưa ra những văn bản cụ thể quy định vấn đề đặt tiền lễ tại các ban thờ. Thế nhưng tại lễ hội đền Bà Chúa Kho, dịch vụ đổi tiền vẫn xuất hiện nhan nhản. Không những thế, lấy lý do tiền lẻ năm nay hiếm, nên mức chênh lệch đổi tiền ở đền Bà Chúa Kho đến mức đổi 10 lấy 5.
Thanh tra “bó tay”
Ông Phan Đình Tân - Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL bày tỏ: "Chế tài cho việc đổi tiền lẻ là vấn đề nan giải của mỗi kỳ lễ hội. Bức xúc là thế, nhưng vẫn chưa tìm ra cách giải quyết". Theo báo cáo của Thanh tra Bộ VHTT&DL, trong và sau mùa lễ hội, thanh tra văn hóa chưa xử phạt được trường hợp đổi tiền lẻ “ăn” chênh lệch nào. "Bởi thanh tra không thể ra quyết định xử lý giống như bên cảnh sát giao thông hay bên môi trường. Có trường hợp vai đeo một bị tiền lẻ, nhưng chúng tôi cũng không thể xử phạt" - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Như PGS.TS Nguyễn Văn Huy phân tích: "Câu chuyện tiền lẻ, biến tướng lễ hội chỉ hình thành và phát triển vào những năm gần đây và ngày càng nở rộ. Vậy thì đó là câu chuyện chỉ sinh ra ở trong bối cảnh xã hội nhất định. Bối cảnh xã hội ấy được điều chỉnh thì chắc chắn câu chuyện này sẽ khác. Hơn nữa, ứng xử với tiền lẻ ở chùa không phải là căn cốt của người Việt, chỉ là một bộ phận Phật tử và những người đi lễ chùa chưa được giác ngộ". Tuy nhiên, dù các nhà quản lý văn hóa quyết tâm để dẹp nạn tiền lẻ, song để giải quyết ý thức của một số người không dễ, nên vẫn tồn tại hình ảnh phản cảm của tiền lẻ nơi lễ hội. Hẳn là cần có cần sự vào cuộc hơn nữa của các ngành để có chế tài xử phạt người vi phạm.
Đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch diễn ra công khai ở nhiều nơi. Ảnh Đức Duy
|