Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn sẽ “không quản” mạng xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) chiều 21/3.

“Mạng xã hội để văn bản pháp luật khác điều chỉnh”

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi đã làm rõ thêm một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, như việc đề nghị xem xét đưa một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí như trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này.

Về vấn đề này, ông Đào Trọng Thi cho biết, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí do cơ quan, tổ chức, DN thực hiện như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội với phương thức tổ chức và quản lý hoạt động khác nhau. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp là những sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức, DN xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và phải được cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin cấp giấy phép. 

Khác với những sản phẩm trên, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin. Mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh.

Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên quy định như dự thảo Luật đối với đặc san, bản tin; đồng thời bổ sung một số quy định phù hợp với đặc điểm của trang thông tin điện tử tổng hợp, còn mạng xã hội để văn bản pháp luật khác điều chỉnh.

Đối với đề nghị quy định nhà báo trong quá trình tác nghiệp phải được coi là người thi hành công vụ để có cơ chế bảo vệ đối tượng này, UBTVQH cho rằng, nhà báo tác nghiệp cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích của Nhân dân và xã hội, nhưng không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình, mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, không thể coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ. 

Theo ông Đào Trọng Thi, về cơ chế bảo vệ nhà báo, Luật Báo chí hiện hành và dự thảo Luật đều quy định: Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) cho rằng, nếu không đưa vào Luật, sẽ không đảm bảo an toàn cho nhà báo tác nghiệp.

Chưa được ưu tiên nguồn lực

Đề cập đến việc tiếp cận thông tin gặp rất nhiều khó khăn vì người có trách nhiệm thường xuyên né tránh, đặc biệt là những vụ việc tiêu cực, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của những người có nghĩa vụ phải trả lời báo chí, tránh để nhiều vụ việc rơi vào quên lãng. 

Bên cạnh đó, quy định về việc báo chí phải đăng, phát toàn bộ các tin bài kiến nghị của người dân gửi đến, nếu không sẽ phải trả lời cụ thể vì sao không đăng là thiếu khả thi. Bởi lẽ những tin, bài liên quan đến kiến nghị sẽ phải qua xác minh, như vậy tờ báo sẽ không đủ nhân lực. Đồng tình quan điểm này, ĐB Hà Minh Huệ (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh, cơ quan báo chí không thể đi trả lời từng người dân vì sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi có không ít trường hợp, có người phô tô một bài gửi cho nhiều báo để đăng, nhằm tạo sức ép với cơ quan chức năng về sự việc nào đó cụ thể.

ĐB Huệ cũng bày tỏ băn khoăn vấn đề dự án Luật vẫn chưa giải quyết được. Đó là báo chí hiện đang rất khó khăn, mà chưa có quy định nào thể hiện sự ưu tiên của Nhà nước đối với báo chí, nhất là những cơ quan phải làm nhiệm vụ chính trị. Liên quan đến nội dung này, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần có quy định “mở” hơn để tạo thêm những nguồn thu cho các cơ quan báo chí. 

“Dự thảo cũng mới chỉ thể hiện nhiệm vụ của báo chí mà chưa đề cập đến quyền hạn, nhất là quyền về cung cấp thông tin, về nguồn lực phát triển báo chí”, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) bày tỏ.