Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn thiếu chính sách đặc thù

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) đang được khẩn trương triển khai để ngay trong quý II/2014 có thể bố trí mặt bằng cho các nhà đầu tư thứ phát.

Tuy nhiên, theo phản ánh của UBND TP Hà Nội và chủ đầu tư thì với các quy định hiện hành, Hanssip khó có được những điều kiện để thu hút nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp (DN) nước ngoài vào sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Trong đó, nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề thuế và đất đai…

Khó khăn “trải thảm đỏ”

Nhận thức được tầm quan trọng của CNHT trong phát triển kinh tế Thủ đô cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, UBND TP Hà Nội đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý bổ sung KCN Hanssip vào Quy hoạch phát triển KCN cả nước. Khởi công từ tháng 11/2013, Hanssip đã trở thành KCN đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho CNHT. 
Chế biến vi mạch điện tử tại Công ty Fancy Creation Vietnam (Hưng Yên).                  	Ảnh: Huy Hùng
Chế biến vi mạch điện tử tại Công ty Fancy Creation Vietnam (Hưng Yên). Ảnh: Huy Hùng
 
Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng là Công ty CP Đầu tư phát triển N&G (N&G Corp) đang triển khai xây dựng phân kỳ đầu tiên của dự án với quy mô 72ha. Dự kiến trong quý II năm nay sẽ hoàn thành thi công hạ tầng để thu hút khoảng 30 DN. Định hướng thu hút đầu tư của KCN là hướng tới các DN trong và ngoài nước chuyên ngành CNHT, trong đó chú trọng DN Nhật Bản theo chủ trương của Chiến lược CN hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. 

Dù vậy, Hanssip đang gặp không ít khó khăn trong quá trình thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc N&G Corp nêu một ví dụ điển hình: Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) đã chọn Bangkok (Thái Lan) làm địa chỉ đầu tư, mở rộng sản xuất thay vì đầu tư vào Hà Nội, chính là do những hạn chế liên quan đến chính sách, nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, các DN CNHT vệ tinh cho tập đoàn… 

Ông Hoàng cho biết thêm, hiện N&G Corp đang tập trung thu hút đầu tư một số tập đoàn chuyên sản xuất sản phẩm CNHT của Nhật Bản như Takako, Nidec… 

Mong chính sách đặc thù

Bên cạnh thuận lợi về giao thông, nguồn lao động hay cơ sở hạ tầng, KCN Hanssip được phê duyệt các chính sách ưu đãi đặc biệt mới mong phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh so với các nước khác ở Đông Nam Á.  

Theo chia sẻ của một vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội, nếu không có những cơ chế ưu đãi đặc thù cho Hanssip thì Thủ đô khó thực hiện được chủ trương phát triển CNHT, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi kiểm tra tình hình triển khai dự án này ngày 11/2/2014 đã yêu cầu Hà Nội sớm đề xuất văn bản kiến nghị cụ thể để kịp thời gỡ khó cho dự án. Thực hiện chỉ đạo đó, cuối tháng 2 vừa qua, UBND TP đã hoàn thành và trình Bộ Tài chính Đề án "Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi tại Khu CNHT Nam Hà Nội" để đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. 

Theo đó, về đất đai, UBND TP đề xuất thời gian thuê đất (cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng và nhà đầu tư thứ phát) là 70 năm, thay vì 50 năm theo quyết định giao đất. Đồng thời, đề xuất được miễn tiền thuê đất (đối với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng) 11 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành đưa KCN vào hoạt động (hiện được miễn 7 năm). Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) áp dụng cho chủ đầu tư và các DN, Hà Nội kiến nghị mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm (từ năm đầu tiên kể từ khi DN có doanh thu từ hoạt động), miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. TP cũng đề xuất được miễn thuế nhập khẩu (NK) đối với hàng hóa NK để tạo tài sản cố định của dự án và miễn thuế NK 5 năm (kể từ ngày bắt đầu sản xuất) đối với hàng hóa NK để tạo tài sản cố định của dự án, trong đó có vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được. 

Bên cạnh đó, UBND TP đề xuất dự án được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam với thủ tục đơn giản, cùng các điều khoản ưu đãi về mức vốn, thời hạn, lãi suất vay, hỗ trợ sau đầu tư; được huy động vốn từ quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ chung trong KCN…

 
"Nếu được phê duyệt cơ chế ưu đãi, Hanssip sẽ thu hút những nhà đầu tư lớn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực CNHT và CNHT phục vụ công nghệ cao cùng một số ngành CN lắp ráp, tạo nên chuỗi giá trị hoàn chỉnh ngay nội bộ KCN với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng." Ông Đặng Văn Chi - Phó Tổng giám đốc N&G Corp