Liên quan đến vấn đề vốn cho BĐS, thực tế chỉ ra rằng, các dự án thường được triển khai trong dài hạn, nhưng vốn vay của các tổ chức tín dụng thường là trung và ngắn hạn nên tình trạng đói vốn là hoàn toàn dễ hiểu cho dù các dòng vốn có được khơi thông phần nào. Dù thị trường BĐS nước ta đã hình thành hơn chục năm nay, song vẫn thiếu minh bạch, lành mạnh, bỏi người bán vẫn nắm quyền chi phối, quyết định nên người mua phải chịu thiệt. Mặc dù Luật Kinh doanh BĐS đã quy định rõ ràng là mọi giao dịch mà có một bên là chủ thể kinh doanh BĐS phải giao dịch qua sàn giao dịch BĐS, nhưng trên thực tế, tình trạng giao dịch không qua sàn lại diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, việc mua bán các sản phẩm BĐS tại các dự án cho đến nay vẫn chưa đi vào quy củ, Nhà nước vẫn chưa quản lý được. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS cũng đã quy định các chủ đầu tư không được huy động vốn của bên mua khi chưa hoàn thành móng nhưng trong thực tế, các bên vẫn giao dịch thông qua các hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay tiền… để mua các sản phẩm từ khi dự án được hình thành. Thậm chí, có nhiều trường hợp, khi mà dự án còn nằm trên "giấy", chủ đầu tư đã tiến hành huy động vốn, góp vốn,… Rõ ràng, mặc dù văn bản pháp quy đã chỉ khá rõ trình tự thủ tục và quy trình, nhưng thực tế diễn ra lại rất phức tạp và không rõ ràng.