Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn thiếu quy định bảo vệ doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự luật Quản lý ngoại thương. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Dự luật vẫn nặng về quản lý hơn là tạo điều kiện cho phát triển.

Trao quyền cho Bộ trưởng lớn, nhưng sao không thấy giám sát?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình, trong quá trình hội nhập, phải tính đến yếu tố phát triển ngoại thương, nhưng Dự luật đang nặng về quản lý, quy định giấy phép nhiều hơn. “Quyền lực của Bộ trưởng Bộ Công Thương là rất lớn khi cho anh nào đi, cho anh nào ở. Trong khi ở đây sự giám sát minh bạch được thể hiện ở điều khoản nào trong Luật? Hạn ngạch là vấn đề rất khó, vậy minh bạch quyền lực của Bộ Công Thương ở quy định nào?” - ông Bình đặt vấn đề. Đồng thời phân tích, hiện nay chỉ tập trung vào ngoại thương ra nước ngoài nhưng nội bộ các DN trong nước có cạnh tranh, hạ nhau, rồi nói xấu nhau trên quốc tế từ thu mua tôm, cá, lúa, trái cây… Vậy, sự cạnh tranh được xử lý ở điều khoản nào thì không thấy trong Luật mà lại đưa ra ngoài phạm vi điều chỉnh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Các ý kiến cũng cho rằng, chúng ta đưa ra các biện pháp phòng hộ khi hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, nhưng khi DN Việt Nam ra nước ngoài bị chèn ép, vậy các quy định bảo vệ các DN ở đâu, trong khi hiện nay tình trạng này đang rất nhiều. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhìn có vẻ bình đẳng nhưng hệ thống phòng vệ của các nước rất mạnh mẽ, hàng hóa vào rất khó.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng, cấp giấy phép phải đi kèm kiểm tra, giám sát. Kiểm tra xuất nhập khẩu ở nước ngoài, cái gì xuất thì họ ít kiểm tra, còn nhập vào thì kiểm tra rất kỹ như xem công nghệ có lạc hậu, cũ hay không, nhưng chúng ta thì ngược lại: “Quan trọng là tạo điều kiện để ngoại thương xuất khẩu (XK). Nó chuyển động giống như cơ thể một con người vậy, không XK thì không nhập khẩu được. Cho nên cần tạo điều kiện cho XK, còn cái gì ở nước ngoài vào làm hại thì chúng ta phải có chế tài xử lý”.

Cũng nhấn mạnh quan điểm cần tạo điều kiện cho XK, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phân tích: Kiểm tra chất lượng hàng hóa đưa ra nguyên tắc nhưng không khác gì với thương mại hiện nay, và đây là thách thức khó khăn nhất trong quản lý ngoại thương hiện nay. Bởi tỷ lệ kiểm tra hàng hóa hiện là 36% (cao hơn 5% so với quốc tế), nhưng quan trọng là kết quả chỉ đạt 0,8%. Trong khi các đối tác chỉ kiểm tra từ 5 - 6% nhưng kết quả đạt được 8%.

Cấm cái gì phải quy định trong Luật

Về vấn đề danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, cần quy định rõ ràng trong Luật để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân. Như thời gian qua, chất  salbutamol chẳng hạn, đây là chất trong ngành y dùng để chữa bệnh hen nhưng lại là chất cấm trong chăn nuôi. Do không quản lý thống nhất, chưa đưa ra được hạn ngạch nhập khẩu nên Bộ NN&PTNT thì cấm, còn Bộ Y tế thì cho phép nhập. Do đó, trên cơ sở thực tiễn hiện nay cần quan tâm đến ban hành chi tiết danh mục hàng hóa cấm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề: “Trong Dự luật có những quy định hạn chế hàng hóa xuất nhập khẩu là hạn chế quyền tự do kinh doanh. Luật không quy định mà giao cho Chính phủ quy định thì có hợp lý hay không? Nên chăng cần rà soát và quy định vào trong luật để đảm bảo tính minh bạch”. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm XK, cấm nhập khẩu tại Dự Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cao, minh bạch, ổn định, dễ áp dụng. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ tính phù hợp, ổn định của các mặt hàng cấm XK, cấm nhập khẩu trong những năm vừa qua và rà soát cụ thể từng mặt hàng, đảm bảo phù hợp với thực tế, áp dụng ổn định, thực hiện đúng các cam kết quốc tế.
Ngăn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản

Chiều 14/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đấu giá tài sản. Một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.  Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Vũ Trọng Việt, “thực tiễn cho thấy tiêu cực, kẽ hở trong đấu thầu, đấu giá là vấn đề nhức nhối, cần tính toán. Vì thực tế có DN èo uột nhưng hồ sơ hoành tráng. Có nhiều bài học rồi, đấu thầu đấu giá xong rồi thậm chí xuất hiện nhiều công ty ma, vậy ai kiểm soát và chịu trách nhiệm thì Luật này chưa làm rõ”.