Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong việc quản lý thị trường vàng?
Thị trường vàng diễn biến như hiện nay có một phần nguyên nhân do tác động từ Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là nghị định đã được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị, NHNN cũng đã chỉnh sửa nhiều lần nhưng chưa có “hồi kết”. NHNN vẫn độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, dẫn đến việc dập vàng thỏi nguyên liệu thành vàng SJC như thế nào cũng do NHNN kiểm soát.
Quy định này nếu đặt trong bối cảnh ra đời cách đây 10 năm, khi nền kinh tế đang phải chống tình trạng vàng hóa, đô la hóa thì đã thành công. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, quy định này lại khiến nguồn cung có hạn trong khi nhu cầu lớn, nên đã đẩy giá vàng SJC tăng mạnh và kéo giãn chênh lệch một cách bất hợp lý như thời gian qua.
Hiện giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới (chưa tính thuế, phí) tới 15 triệu đồng/lượng, có thời điểm cao điểm có thể chênh lệch 18 - 20 triệu đồng/lượng, trong khi đúng ra chỉ nên chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng là hợp lý. Hơn nữa, giới kinh doanh vàng còn đẩy mức chênh giữa giá mua vào và bán ra vàng SJC lên tới 1 - 2 triệu đồng/lượng đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Tác hại lâu dài của vấn đề này sẽ ra sao, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, khi nguồn cung có hạn do cách quản lý theo phương thức độc quyền sẽ khiến thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới, biến động của giá vàng SJC chưa theo kịp giá vàng thế giới dẫn đến chênh lệch lớn. Vì thế, các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải làm giá với nhau để bán giá cao khi nguồn cung có hạn.
Nghị định 24 được đưa ra với chủ trương Nhà nước không khuyến khích hoạt động kinh doanh vàng, không khuyến khích người dân giữ vàng, nhưng thực chất vàng vẫn là một loại tiền tệ có tác động đến chính sách tiền tệ. Giá vàng còn là một trong những loại hàng hóa có vị trí lớn trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi. Do đó, nếu để giá vàng tăng cao sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế, gia tăng lạm phát. Giá vàng trong nước quá cao còn làm tăng tình trạng buôn lậu vàng, làm “chảy máu” ngoại tệ, để lâu sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, nguồn dự trữ quốc gia nói chung.
Nói như vậy thì theo ông, NHNN phải thay đổi phương thức quản lý như thế nào?
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh câu chuyện về quản lý thị trường vàng, nhất là về việc nên hay không để Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng cũng như độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Từ trước đến nay, nhiều ý kiến đã nêu về việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia hay sàn vàng quốc gia để tạo thành “sân chơi” cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Nhưng nếu thành lập thì ngoài giao dịch vàng vật chất phải có giao dịch vàng tài khoản. Nhưng có thể cơ quan điều hành lo ngại không quản lý được các hoạt động giao dịch vàng nên vẫn còn bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, rõ ràng, cơ quan quản lý cần có sự thay đổi trong cách thức điều hành hoạt động kinh doanh vàng. NHNN vẫn có thể độc quyền nhưng phải có phương thức, giải pháp để điều hòa hợp lý, bình ổn thị trường như xem xét lượng vàng nguyên liệu xuất nhập khẩu như thế nào để cung đủ cầu, tránh hiện tượng chênh lệch giá quá cao như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!