Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vắng khách vì sao?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nếu như những ngày cuối tháng 3 vừa qua các điểm đổi mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chuẩn lấy MBH đảm bảo chất lượng có trợ giá luôn "cháy" hàng, thì hiện nay các điểm này luôn trong tình trạng vắng khách.

Thưa khách đổi mũ

Những ngày này, tại các điểm đổi MBH trên địa bàn Hà Nội như: Cổng các Công viên Đống Đa, Thành Công, Thống Nhất… không còn thấy cảnh người tiêu dùng chen nhau đổi MBH. Thay vào đó chỉ có nhân viên các công ty sản xuất MBH ngồi chơi, trông hàng. Tại điểm đổi mũ trước cổng Công viên Đống Đa, chị Hiền - nhân viên Công ty Nhựa Chí Thành cho biết, hiện công ty có 40 điểm đổi MBH đạt chuẩn ở Hà Nội. Thời gian đầu, lượng người đến đổi MBH rất đông, nhưng hiện lượng người đến đổi mũ đã giảm, có ngày chỉ đổi được 5 - 7 chiếc.

 
Vắng khách vì sao? - Ảnh 1
 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Qua tìm hiểu được biết, việc người tiêu dùng không còn mặn mà trong việc đổi MBH là do giá hỗ trợ thấp (chỉ trừ 10.000 - 30.000 đồng/mũ so với giá niêm yết) không thấp hơn giá của các hãng MBH quen thuộc là mấy. Chẳng hạn, MBH của Công ty TNHH Amoro mặc dù đã được giảm từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc nhưng giá bán vẫn từ 230.000 - 400.000 đồng, nên khách cũng không mặn mà.

Đại diện Công ty CP Á Long, đơn vị sản xuất MBH B'Color cho biết: Mặc dù MBH nhãn hiệu B'Color mới xuất hiện trên thị trường, nhưng thực chất từ nhiều năm qua đơn vị đã sản xuất MBH cho hãng Honda bán kèm với xe máy. Vì vậy, MBH B'Color luôn đảm bảo chất lượng và giá thành rẻ hơn những loại MBH đã quen thuộc với người tiêu dùng như Amoro, Protec.

Xử lý nghiêm cơ sở sản xuất sai phạm

Việc các điểm đổi MBH vắng khách chủ yếu do công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên nên người dân chưa có ý thức bảo vệ tính mạng khi tham gia giao thông; hoạt động kiểm tra, ngăn chặn MBH rởm chưa được thực hiện quyết liệt.

Nhiều DN tham gia chương trình đổi MBH cũng than phiền: Do cơ quan chức năng chưa xử lý mạnh nên việc kinh doanh MBH kém chất lượng, hoặc mũ nhựa vẫn diễn ra công khai. "Nếu thời gian tới không mạnh tay xử lý dứt điểm thì chắc chắn các cửa hàng bán MBH chính hãng sẽ khó tiêu thụ sản phẩm, còn hàng kém chất lượng sẽ được bày bán trở lại" - ông Trần Thuận Thành, Trưởng phòng Kinh doanh khu vực phía Bắc Công ty Nhựa Chí Thành nêu ý kiến.

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện quá trình kiểm tra, xử lý MBH không đảm bảo chất lượng đã xuất hiện nhiều bất cập, chẳng hạn, MBH lưu thông trên địa bàn Hà Nội nhưng lại được sản xuất ở tỉnh khác nên việc tiến hành xử lý gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra có đơn vị sản xuất chỉ cung cấp giấy chứng nhận hợp quy một hoặc hai loại nhưng hàng hóa lưu hành trên thị trường thì số lượng kiểu loại nhiều hơn, rất khó đối chiếu để kiểm tra kết luận; Trường hợp của HTX nhựa Song Long đưa ra thị trường các mẫu mã MBH nhiều hơn giấy phép là ví dụ điển hình.

Để ngăn chặn các cơ sở sản xuất MBH không đạt chất lượng, TS Cris Tunon (đại diện Tổ chức Y tế thế giới) đề xuất, Chính phủ Việt Nam nên đưa kinh doanh MBH thành lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, tiền thuê đất cho các DN cam kết tham gia chương trình trợ giá có thể giảm giá 30 - 40% giá trị mỗi sản phẩm để người dân có thể mua được MBH tốt với giá rẻ.

Nhưng quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu MBH trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh MBH giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tăng cường tuyên truyền để người dân có ý thức sử dụng MBH đạt chuẩn khi tham gia giao thông, từ đó bảo đảm tính mạng.

Như vậy, để triệt tiêu MBH không đạt chất lượng phần lớn vẫn phải phụ thuộc vào ý thức người tiêu dùng, loại bỏ nguồn cầu để nguồn cung không còn đất sống.