Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vang mãi bản hùng ca bất diệt - Bài 5: Tin tưởng ngày trở về

Hà Minh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được gặp ông vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến.

Vang mãi bản hùng ca bất diệt - Bài 1: Tiếng gọi của non sông

Vang mãi bản hùng ca bất diệt - Bài 2: Nhớ những ngày khói lửa hào hùng

Vang mãi bản hùng ca bất diệt - Bài 3: Ký ức từ những địa danh lịch sử

Vang mãi bản hùng ca bất diệt - Bài 4: Chủ công làm nên lịch sử

Càng vui hơn, phấn khởi hơn khi Trung tướng Chu Duy Kính -Tư lệnh của Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô) ngày nào dù đã gần 90 tuổi, nhưng vẫn phong độ với ánh mắt tinh anh và giọng nói đầy hào sảng khi kể về những ký ức năm xưa cũng như những cảm nhận về Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.

 

Sức mạnh niềm tin

Thưa Trung tướng, ông có thể cho biết, trong 60 ngày đêm toàn quốc kháng chiến, ông được giao nhiệm vụ gì?

- Tôi tham gia cách mạng từ trước năm 1945, là chiến sĩ trinh sát và liên lạc của Việt Nam Cứu quốc quân tại Chiến khu Yên Thế, tham gia khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở tỉnh Bắc Giang. Tháng 5/1946, tôi 16 tuổi, nhận lệnh tham gia Đại đoàn tiếp phòng quân tại Hà Nội, được giao nhiệm vụ vừa là chiến sĩ bảo vệ cơ quan Thành ủy, vừa đi đưa công văn, chỉ thị cho cấp trên xuống Ngã Tư Sở, Ô Cầu Dền. Những ngày tháng ấy đấu tranh cam go, căng thẳng lắm, nhất là quân Pháp liên tục kiếm cớ gây chiến. Uất ức, căm phẫn lắm khi thấy đồng bào ta bị giết hại, nhưng vì thời cơ chưa đến nên vẫn phải nén nhịn. Đến khi nhận được tin quân ta sẽ tấn công, cánh lính trẻ tuổi chưa đến đôi mươi chúng tôi thấy thật sôi sục, phấn chấn.

Tôi nhớ rõ khoảnh khắc ấy, thú thực không nghĩ rằng mình bắt đầu cuộc kháng chiến hùng dũng như vậy. Chỉ nghĩ rằng có một tín hiệu, một giờ hẹn, đến giờ đó tất cả cùng nổ súng. Nhưng cuối cùng, ta bắt đầu mở màn cuộc kháng chiến không phải dùng súng trường ngay mà bằng những phát đại bác 75 li, đối với ta lúc đó là to lắm rồi. Cả 4 pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối rầm rập nã đạn, khiến cho tinh thần quân ta thêm phấn khích, còn giặc Pháp cực kỳ hốt hoảng.

Tối hôm đó, tôi đang làm nhiệm vụ ở Ngã Tư Sở, đại bác của pháo đài Láng sáng rực một góc trời. Sau đó, tôi cùng đồng đội chiến đấu giữ Ô Cầu Dền. Cửa ô này nằm ở đầu đường Bạch Mai, nếu Pháp chọc thủng được Ô Cầu Dền có thể đe dọa cả phòng tuyến nam Thủ đô, nơi có các kho gạo, trạm y tế, kho thuốc, khu cấp dưỡng. Pháp biết điều này nên từ đầu đã tập trung hỏa lực hạng nặng để đánh phá. Dân quân bảo vệ Thủ đô cũng thề quyết tử tại đây. Ngay từ đầu chiến sự đã diễn ra ác liệt. Dân quân bảo vệ Ô Cầu Dền có các đại đội của tiểu đoàn 77, 212 và các đội tự vệ Duy Tân, Việt Nam học xá... Quy mô Ô Cầu Dền không lớn nhưng được bố phòng rất kiên cố. Dân quân Hà Nội đã dựng ở đây ụ chướng ngại vật dài gần 20m, rộng 8m và cao khoảng 3m bằng các thân cây gỗ lớn, tà vẹt đường sắt, đất đá và cả một số vật dụng tủ, bàn ghế của người dân Hà Nội đóng góp. Khi cuộc chiến nổ ra, cứ điểm này lại tiếp tục được xây dựng lớn thêm. Pháo binh, xe tăng Pháp bắn phá, dân quân lại nhanh chóng đắp như cũ, vững như bàn thạch.

Lúc ấy tuổi đời còn rất trẻ, ông có cảm nghĩ, niềm tin thế nào về cuộc chiến được đánh giá là không cân sức giữa ta và địch với một đội quân thiện chiến, được trang bị đến tận răng?

- Biết rằng chiến đấu chống thực dân Pháp khó khăn, gian khổ vì quân đội Pháp rất thiện chiến, vũ khí hiện đại, mình mới vào cuộc kháng chiến chưa có kinh nghiệm, nhưng vẫn luôn tin tưởng vào thắng lợi, nhất định sẽ chiến thắng vì đó là cuộc chiến của Nhân dân, của cả dân tộc đang khao khát độc lập, tự do. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, thực hiện lời kêu gọi của Bác “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân đội ta chiến đấu thực sự anh dũng, sáng tạo và táo bạo. Vũ khí của ta so với địch rất thô sơ nhưng chúng ta có gì đánh nấy, ngoài ra còn đặt mìn cho đổ cây, cột điện, huy động Nhân dân đưa bàn, ghế, tủ chè, sập gụ ra đường làm vật cản; đắp ụ chống tăng; đục tường tạo lối cơ động giữa các khu phố…

Tất cả chúng tôi tin tưởng về ngày về nên vững tin chiến đấu. Văn Cao có viết “5 cửa ô đoàn quân tiến về”, Nguyễn Đình Thi làm bài thơ “Ngày về” đúng tâm tư, tình cảm của người lính. Chúng tôi có lòng tin nên có sức mạnh chiến đấu, dù hy sinh, dù gian khổ, mình biết rằng có thể chết ở đây, nhưng luôn vững tin Hà Nội sẽ giải phóng, Sài Gòn sẽ giải phóng và đất nước thống nhất, rồi chúng tôi sẽ trở lại Thủ đô.

Ngày về nguyên vẹn

Sau này, đã từng tham gia rất nhiều chiến dịch, trận đánh ác liệt, vậy theo Trung tướng, trận chiến 60 ngày đêm có ý nghĩa đặc biệt cả về khía cạnh lịch sử cũng như nghệ thuật quân sự?

- Chiến dịch 60 ngày đêm có ý nghĩa rất lớn, có thể nói nó thể hiện một cuộc chiến tranh đường phố đầu tiên vây hãm một đạo quân thiện chiến của Pháp. Chúng ta đã giữ được 60 ngày đêm, phá tan chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh, rút nhanh của thực dân Pháp. Bảo vệ được T.Ư Đảng, Bác Hồ, cơ quan lãnh đạo kháng chiến rút ra được an toàn, đây là vấn đề quan trong. Di chuyển được phương tiện máy móc lên chiến khu. Quân ta vượt được vòng vây an toàn 100% nên Pháp hoàn toàn thất bại. Khi Pháp biết ta phá vây đã đuổi theo nhưng không kịp, các đơn vị sau khi thoát ra đã xây dựng thành các đại đoàn chủ lực, tham gia chiến thắng Điện Biên…

Chiến đấu tại ngoại thành Hà Nội tháng 2/1947.

Bác Hồ đã nói đánh Pháp là đánh lâu dài, đánh một kẻ thù mạnh không thể thắng nhanh, nhưng chúng tôi tin nhất định sẽ chiến thắng. Tất nhiên để có chiến thắng và ngày về đó chúng ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến, trong đó trận Điện Biên Phủ là lớn nhất. Những người con của Hà Nội tham gia chiến đấu để sau 9 năm quay lại giải phóng Thủ đô, Hà Nội ngày trở về còn nguyên vẹn, tháp Rùa còn, Văn Miếu còn. Thật không có gì vui sướng hơn.

Vậy còn sau 70 năm, ông thấy diện mạo Thủ đô đổi thay như thế nào?

- Thú thực là tôi không thể tưởng tượng được đất nước, Thủ đô có được những đổi thay, thành tựu lớn lao như hiện nay. Năm 1946, khi đó Hà Nội mới chỉ có mấy vạn dân, ra đến Ô Chợ Dừa, phố Khâm Thiên đã là ngoại ô rồi, toàn nhà thấp tầng. Còn bây giờ chúng ta đã có một Hà Nội không những thực hiện được ước mơ của Bác “xây dựng Hà Nội gấp năm, gấp mười Hà Nội xưa" mà có khi đã gấp một trăm lần xưa. Nhưng tôi tin chắc chắn Thủ đô sẽ không dừng lại như hiện nay, bởi nếu giữ được hòa bình, giữ được ổn định, kinh tế phát triển, Hà Nội sẽ trở thành một đô thị lớn hiện đại của Đông Nam Á.

Tôi nói thêm ý này nữa, dân tộc ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược, Đảng ta, Nhân dân ta rất thấm thía sự mất mát, hy sinh từ những cuộc chiến tranh giành và giữ độc lập dân tộc ấy. Truyền thống của dân tộc ta là yêu chuộng hòa bình. Trong quá trình hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta phải xác định rõ đối tác và đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh để giữ vững độc lập tự do cho dân tộc. Phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch. Còn Tổ quốc, còn Đảng là còn tất cả, vì vậy quân đội nói chung và lực lượng vũ trang Thủ đô nói riêng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội trong mọi tình huống.

Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!