Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng trang sức không còn nỗi lo thiếu cung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau kiến nghị của các DN sản xuất vàng trang sức, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận chủ trương cho phép DN được nhập khẩu vàng nguyên liệu về sản xuất nữ trang, mỹ nghệ.

Theo đại diện NHNN, đến nay, cơ quan này đã nhận được 3 đơn đề nghị xin cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu của các DN sản xuất vàng nữ trang lớn trong nước. Hiện, NHNN đã đồng ý về nguyên tắc cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang cho 2 DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do hội tụ đủ các điều kiện quy định đưa ra tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Thông tư 16/2012/TT-NHNN.

Theo ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN), việc các DN đề nghị được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang là nhu cầu chính đáng. Được nhập khẩu vàng nguyên liệu, các DN trang sức sẽ có nguồn vàng ổn định, đảm bảo chất lượng hơn để sản xuất, kinh doanh; hạn chế tình trạng vàng lậu.

Giới chuyên gia đánh giá, đây là một động thái để ngành trang sức Việt Nam chuyển mình, tạo điều kiện thu hẹp thị trường vàng miếng. Lao động lành nghề, khéo tay, giá nhân công rẻ, thị trường nhiều nhu cầu… đó là những lợi thế để Việt Nam phát triển ngành trang sức. Tại Thái Lan, dân số ít hơn, thị trường nhỏ hơn nhưng mỗi năm giá trị xuất khẩu ngành trang sức nước này đạt khoảng 3 tỷ USD. 

Để "rộng đường" cho phát triển ngành vàng trang sức, thời gian tới, NHNN sẽ ban hành Thông tư mới sửa đổi Thông tư 33/2011/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Theo đó, DN sẽ được phép vay vốn mua vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. NHNN cũng sẽ có các quy định chặt chẽ nhằm tránh trường hợp DN này sử dụng vốn sai mục đích.

Một vấn đề đang được quan tâm sau khi DN được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức là quản lý thế nào để DN không lợi dụng "trộn" vàng lậu vào vàng nhập khẩu và "hô biến" thành vàng trang sức hợp pháp. Đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối cho rằng, NHNN đang có nhiều biện pháp khác nhau để quản lý việc này. Ví dụ, có thể NHNN cấp phép cho các DN được nhập khẩu 1 tấn trong một thời gian 3 - 4 tháng nhưng yêu cầu DN phải nhập theo lô, và mỗi lô tối đa không được quá 100kg. Sau mỗi lô vàng đưa vào sản xuất, các DN phải chuyển hóa đơn chứng từ cho NHNN kiểm tra. Qua đó, NHNN nắm rõ được số vàng họ nhập được sử dụng như thế nào, có đúng mục đích không. Nếu đúng mục đích NHNN mới tiếp tục cấp phép nhập thêm. Tuy nhiên, để hạn chế triệt để nguy cơ này, rất cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan như: Quản lý thị trường, hải quan…

Được biết, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ ban hành Thông tư "Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường". 

Phía Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đang hoàn thiện các thủ tục để Công ty kiểm định vàng do một số DN vàng góp vốn. Sự ra đời của công ty này sẽ góp phần nâng cao chất lượng vàng trang sức, đáp ứng nhu cầu, quyền lợi cho người tiêu dùng.