Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vào WTO: Ngành điện tử học cách sống tự lập!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ba năm gia nhập WTO mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam song cũng tác động không nhỏ tới một số ngành hàng vốn được xem là “con cưng” và luôn nhận được vô số ưu đãi từ Nhà nước như ngành điện tử.

KTĐT - Ba năm gia nhập WTO mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam song cũng tác động không nhỏ tới một số ngành hàng vốn được xem là “con cưng” và luôn nhận được vô số ưu đãi từ Nhà nước như ngành điện tử.

Bao năm sống trong “nhung lụa”
 
Có thể nói trong suốt một thời gian dài, ngành điện tử nước ta phát triển trong một vỏ bọc lớn của Nhà nước với vô số những chính sách ưu đãi và bảo hộ. Trong đó, ưu đãi về thuế nhập khẩu là một trong những biện pháp hỗ trợ chính mà Nhà nước dành cho ngành điện tử để khích lệ ngành hàng này đi lên. Các doanh nghiệp hội đủ các điều kiện được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu máy móc thiết bị sản xuất và thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện từ 0-5%, trong khi thuế MNF là 40 - 60%. Chưa kể các loại trợ cấp khác như trợ cấp xuất khẩu, trợ cấp thay thế hàng nhập khẩu (hay còn gọi là trợ cấp nội địa hóa), các khoản tín dụng ưu đãi, miễn tiền thuế thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… 
 
Theo một khảo sát gần đây nhất của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam gia nhập WTO do Chính phủ Italia tài trợ về ảnh hưởng của các loại trợ cấp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại 62 doanh nghiệp điện tử trên địa bàn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, trợ cấp của Nhà nước đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng này. 
 
Có đến 75% doanh nghiệp cho rằng hình thức ưu đãi thuế nhập khẩu cho các doanh nghiệp điện tử là rất quan trọng, 42% doanh nghiệp cho rằng doanh thu của doanh nghiệp giảm nếu ưu đãi về thuế nhập khẩu bị bãi bỏ, chỉ có 15% tự tin rằng doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng nếu bỏ ưu đãi.
 
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng có 75% doanh nghiệp cho rằng ưu đãi này là quan trọng và 83% doanh nghiệp cho biết việc bãi bỏ ưu đãi sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh. 
 
Rõ ràng các doanh nghiệp điện tử đang nhận được quá nhiều ưu ái và khi phải bước ra ngoài cái vỏ bọc êm ấm, không ít doanh nghiệp cảm thấy khó khăn, lúng túng trong việc thích nghi với môi trường cạnh tranh mới. Có đến một nửa số doanh nghiệp được hỏi than phiền rằng nếu việc miễn giảm tiền thuê sử dụng đất bị bãi bỏ thì họ sẽ cắt giảm sản lượng, 40% doanh nghiệp nhận định lợi nhuận sẽ giảm nếu Nhà nước xóa bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp…
Xóa trợ cấp, doanh nghiệp sẽ “chết”?
 
Vào WTO là việc nên làm và tất yếu phải làm của nền kinh tế nước ta trong xu thế hội nhập toàn cầu, ngành điện tử cũng cần phải chấp nhận cuộc chơi và học cách sống tự lập ở sân chơi mới. Cũng theo nhận định của TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM), việc bãi bỏ hàng loạt trợ cấp và ưu đãi của Chính phủ cho các doanh nghiệp điện tử khi gia nhập WTO tuy có những tác động nhất định tới các doanh nghiệp, song những tác động đó không quá lớn như đối với ngành dệt may, da giầy…
 
Chẳng hạn, khi việc cắt giảm thuế nhập khẩu hàng điện tử nguyên chiếc từ các nước ASEAN chỉ còn 0 -5% theo lộ trình AFTA có hiệu lực hoàn toàn từ ngày 1/1/2006, hàng điện tử từ các nước ASEAN đã không ồ ạt tràn vào Việt Nam cũng như giá cả các mặt hàng điện tử thông dụng cũng không hạ xuống quá nhiều. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không “sập tiệm” hàng loạt như suy đoán của nhiều người trước đó, trái lại vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các sản phẩm điện tử đang được bán trên thị trường Việt Nam hiện nay đều do các doanh nghiệp trong nước cung cấp hoặc do các công ty đa quốc gia có nhà máy ở các nước ASEAN sản xuất.  Do đó, khi gia nhập WTO, mặc dù thuế nhập khẩu giảm nhưng việc nhập khẩu ồ ạt hàng điện tử nguyên chiếc từ các quốc gia ngoài ASEAN là rất khó xảy ra. Nếu có thì chỉ là những mặt hàng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được.
 
Mặt khác, với tư cách là thành viên của WTO, Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành điện tử. Điều này có thể kiểm chứng được qua việc Hãng Intel tăng vốn đầu tư từ 600 triệu USD lên 1 tỷ USD vào Nhà máy sản xuất chip điện tử tại Tp.Hồ Chí Minh ngay sau khi vòng đàm phán WTO kết thúc. Tiếp đó, Tập đoàn Meiko của Nhật Bản đầu tư 300 triệu USD vào dự án sản xuất linh kiện điện tử ở Hà Tây cũ. Gần đây nhất, Tập đoàn Foxcon của Đài Loan quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào dự án sản xuất linh kiện máy tính và viễn thông. Sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều công nghệ hiện đại, phương thức quản lý và sản xuất kinh doanh tiên tiến tạo điều kiện thuận lợi cho ngành điện tử Việt Nam “cất cánh” cao hơn.

Tuy nhiên cũng cần thừa nhận rằng, việc gia nhập WTO đã và đang đặt các doanh nghiệp điện tử vào thế cạnh tranh vô cùng gay gắt với các đối thủ nước ngoài mạnh hơn. Khi không còn được hưởng các biện pháp bảo hộ của Nhà nước, nếu doanh nghiệp của ta không tích cực cải thiện sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý, tăng thị phần… thì sẽ gặp bất lợi lớn ngay trên sân nhà là khuyến cáo của các chuyên gia tại hội thảo quốc tế “Vận hội và thách thức của Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO” tổ chức sáng 12/1, tại Hà Nội.