Công tác tuyên truyền yếu và thiếu khiến người dân vẫn có sự so sánh với lãi suất ngân hàng hoặc bị đánh đồng vay tiêu dùng từ các công ty tài chính như thị trường tín dụng đen. “Chặn” tín dụng đen Vay tiêu dùng được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng ở thị trường hơn 90 triệu dân như Việt Nam. Đây cũng là "mảnh đất màu mỡ" mà các ngân hàng, công ty tài chính trong và ngoài nước đang hướng tới. Tuy nhiên, hoạt động vay tiêu dùng đến nay vẫn chưa được người dân đón nhận nhiệt tình. Nguyên nhân, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trước hết là do công tác thông tin tuyên truyền về tài chính tiêu dùng cho người dân lâu nay vẫn còn yếu và thiếu. Đại bộ phận người dân vẫn chưa thể phân biệt được rõ đâu là cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, đâu là cho vay tiêu dùng kiểu “tín dụng đen” công khai hoặc “tín dụng đen” ngầm.
Dù căn cứ vào lãi suất thỏa thuận, nhưng điểm khác biệt của cho vay tiêu dùng là hình thức này luôn cho người vay khoảng thời gian trả nợ với mức lãi suất hợp lý, không tính lãi suất theo ngày, lãi suất không
“cắt cổ” như “tín dụng đen”. “Cho vay tiêu dùng là hoạt động tín dụng chính thức đã được cấp phép. Nó hoàn toàn khác với "tín dụng đen", lãi suất không "cắt cổ" cũng không có chuyện cưỡng bức trong thu hồi nợ” - một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh. Theo các chuyên gia, phát triển tài chính tiêu dùng cũng là một giải pháp hữu hiệu trong việc phòng chống “tín dụng đen”. Thực tế, ngoài kênh vốn từ ngân hàng, sự ra đời của các công ty tài chính đã góp phần giải quyết nhu cầu lớn về tín dụng tiêu dùng của người dân, nhất là những người không đủ điều kiện tiếp cận với vốn vay ngân hàng, những người có thu nhập trung bình và thấp. Với thủ tục vay nhanh gọn, dễ dàng, không cần tài sản thế chấp, linh hoạt lãi suất với từng đối tượng vay, hoạt động này không chỉ có ý nghĩa đối với từng cá nhân mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội. Tiềm năng lớn Tại Việt Nam, mặc dù được xem là còn khá mới mẻ nhưng cho vay tiêu dùng đang dần khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), nhu cầu vay tiền của người tiêu dùng đang rất cao, đặc biệt đối với những khoản vay có giá trị nhỏ, vay trả góp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng như mua sắm thiết bị điện tử gia dụng, máy tính xách tay, điện thoại… Số liệu thống kê cuối năm 2014 cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng trên 200.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,3% GDP). Theo dự báo của các chuyên gia tài chính, dân số Việt Nam tiếp tục tăng và đạt tới 100 triệu người vào năm 2025, dư địa này hết sức thuận lợi cho kênh tài chính tiêu dùng “bứt phá”. Bên cạnh đó, với nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định ở khu vực Đông Nam Á cùng tình hình an ninh, chính trị luôn ổn định, sẽ là những yếu tố hết sức quan trọng để các nhà đầu tư đến với Việt Nam ngày một nhiều hơn. Khi nền kinh tế phát triển ổn định và tăng trưởng tốt sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập ổn định. Nền tảng trên kết hợp với yếu tố dân số trẻ (tập trung nhiều ở các khu vực thành thị, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng để cải thiện cuộc sống ngày càng gia tăng), sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng.
Minh họa. Nguồn Internet |
Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, cần phải có một khuôn khổ pháp lý đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam. Bên cạnh đó, cần nâng cao tính năng động, trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng. TS Nguyễn Thị Kim Thanh nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng |