KTĐT - “VCCI đã đăng ký với Chính phủ rà soát thủ tục hành chính trong bốn lĩnh vực “gai góc” nhất hiện nay là: Thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh và quan hệ lao động” - Đó là khẳng định của ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Túc nói: “VCCI xác định doanh nghiệp giữ vị trí trung tâm trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính”. Doanh nghiệp là đối tượng cọ xát thường xuyên và chịu tác động trực tiếp từ cơ chế chính sách và các thủ tục hành chính, do đó họ là đối tượng hiểu và nhìn thấy rõ nhất những điểm bất hợp lý trong các thủ tục hành chính.
Báo cáo tổng hợp những nghiên cứu về môi trường kinh doanh Việt Nam được trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện cho thấy, trung bình mỗi doanh nghiệp nước ta phải mất 29,1% quỹ thời gian của mình để giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Ở Hà Nội, tỷ lệ này là 44,5% và ở TP HCM tỷ lệ là 38,7%. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp chỉ còn 50 – 70% quỹ thời gian của mình để dành cho quản lý và điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên tổn thất về thời gian chỉ là một phần vì chi phí “đi đêm” cho các thủ tục hành chính mới gánh nặng làm nản lòng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp than phiền rằng họ thường xuyên phải mất chi phí “lót tay” cho “anh cán bộ” thì dự án mới “thông đồng bén giọt”.
Mới đây, Chính phủ đã công bố kết quả bước đầu của Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước với việc rà soát và công bố toàn bộ thủ tục hành chính của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng 24 bộ, ngành trên mạng Internet. Kết thúc giai đoạn 1, việc thống kê và công khai thủ tục hành chính đã loại bỏ được trên 1.000 thủ tục hành chính trùng lắp và chồng chéo. Kết quả này đã phần nào cho thấy nỗ lực của Chính phủ nhằm san sẻ gánh nặng cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Nhiều chuyên gia và tổ chức có uy tín trên thế giới đã đánh giá, thành công bước đầu của Đề án 30 đã đưa Việt Nam trở thành “một điểm sáng trong công tác cải cách hành chính”. “Lần đầu tiên trên thế giới, một quốc gia đã công khai toàn bộ TTHC trên mạng Internet để mọi cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp đơn giản hóa” – ông Túc nói.
Tuy nhiên Đề án 30 vẫn còn một chặng đường dài trước mắt với thách thức là cắt giảm được tối thiểu 30% thủ tục hành chính ở các cấp bộ, ngành và địa phương. Để hoàn thành chặng đường này, Đề án 30 không thể thiếu vắng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Chính các doanh nghiệp sẽ là đối tượng chủ yếu tham gia góp ý và điền biểu mẫu góp ý kiến rà soát thủ tục hành chính. Biểu mẫu là những câu hỏi về từng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc. Thông qua các câu hỏi này, doanh nghiệp có thể nói cụ thể và chi tiết về sự cần thiết, tính hợp lý và hợp pháp của các thủ tục hành chính.
Với vai trò là thành viên của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, VCCI đã thành lập Tổ công tác Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đề án và kế hoạch tổng thể, đồng thời huy động mọi nguồn lực có thể cho hoạt động cải cách thủ tục hành chính.
Ông Túc cho biết, căn cứ vào những nguyện vọng bức thiết nhất của doanh nghiệp, VCCI đã đăng ký với Chính phủ rà soát bốn lĩnh vực “gai góc” nhất hiện nay là: Thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh và quan hệ lao động. Được biết, đây là những lĩnh vực mà người dân mà đặc biệt là doanh nghiệp đang phải tiêu tốn thời gian và chi phí nhiều nhất. VCCI sẽ thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo trao đổi để tập hợp ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, khẳng định là cầu nối quan trọng đưa tiếng nói và nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp đến với Chính phủ.