Nhất là ngay sau khi Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội, xoay quanh vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt, dựa trên nguyên tắc người xả nhiều rác phải trả nhiều tiền chứ không tính bình quân như hiện tại.
Xả nhiều rác, trả nhiều tiền
Theo dự thảo Luật này, kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được tính dựa trên khối lượng phát sinh thay vì thu phí rác thải theo cơ chế “cào bằng” như hiện nay (khoản 6 Điều 79).
Đồng thời, quy định nguyên tắc về việc thu kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với từng loại chất thải sau khi đã được phân loại. Điều này một mặt để làm căn cứ cho việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh, những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định.
Dự thảo Luật cũng đưa ra quy định khuyến khích phân loại CTRSH tại nguồn thành 05 loại là chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác (khoản 1 Điều 79).
Dự thảo Luật cũng giao UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý sẽ giúp chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng để đưa ra các quy định cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi của quy định.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan soạn thảo xác định quan điểm, chất thải không phải hoàn toàn là thải đi, bỏ đi. Chất thải là một dạng tài nguyên, ít nhất là tái sử dụng 40%. Như vậy, việc phân loại ra là điều tiên quyết. Cùng với đó, công nghệ xử lý không chôn lấp; tái chế, tái sử dụng 40%, hướng tới hình thức đốt thành sinh khối, đốt thành điện năng. Để làm được điều này, trong dự thảo Luật cũng quy định rõ từ khâu thu gom là người dân tới xử lý cuối cùng phải đồng bộ.
“Về thu phí rác thải sinh hoạt có nhiều cách thực hiện. Nhiều nước tính tiền thu gom, xử lý rác qua việc bán bao bì đựng rác. Người dân sẽ thực hiện phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì sẽ có các thể tích khác nhau. Dựa vào lượng rác qua các bao bì này để thu tiền thu gom, xử lý rác. Ở ta, dự kiến cũng thực hiện theo cách này. Tuy nhiên, việc quy định màu nào, chia bao nhiêu loại túi, cách tính toán thế nào thì sẽ do văn bản dưới luật hướng dẫn. Chính phủ có thể cụ thể bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn các địa phương quy định cụ thể phương án.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Tạo sự công bằng trong xã hội
Xoay quanh đề xuất trên của Bộ TN&MT tại dự thảo Luật BVMT sửa đổi, có nhiều ý kiến ủng hộ cũng có nhiều ý kiến phản biện, rằng đề xuất chưa sát thực tế. Hơn nữa, đây cũng không phải là cách làm mới vì nhiều nước trên thế giới đã làm và làm hiệu quả, song tình hình kinh tế - xã hội mỗi nước một khác, không phải họ làm được mình cũng làm được.
Bởi lẽ, ngay như quy định đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định hiện nay mà chúng ta cũng chưa làm được; phân loại rác - điều vốn được coi là đương nhiên phải làm, chúng ta cũng đã làm nhưng thất bại.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, chúng ta từng thất bại là vì cách làm ở Việt Nam chưa đồng bộ. Cơ quan quản lý, cơ quan môi trường kêu gọi người dân phân loại rác, thế nhưng đến đoạn thu gom thì công nhân vệ sinh môi trường/xe rác lại đổ chung các loại rác vào với nhau.
“Nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước, bây giờ không làm thì đến bao giờ mới làm được. Các nước như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore cũng phải mất từ 10 đến 20 năm thực hiện quyết liệt chính sách môi trường, phân loại thu gom rác,… mới làm thay đổi nhận thức, tạo thói quen ứng xử với rác thải văn minh như hiện nay” – PGS.TS Bùi Thị An nhìn nhận.
Cũng theo PGS. TS Bùi Thị An, việc tính phí thu gom rác thải theo khối lượng các hộ thải ra là hợp lý, tạo sự công bằng trong xã hội, người xả rác nhiều sẽ phải chi trả phí thu gom rác nhiều hơn, không để người nghèo phải trả tiền xử lý rác cho người giàu như cách tính bình quân hiện nay. “Nếu chúng ta thực hiện tốt, không chỉ mang lại nguồn thu mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc xả rác ra môi trường.
Tuy nhiên chúng ta cần làm tốt khâu phân loại rác thì khi thu gom, xử lý mới có hiệu quả. Làm tốt được việc này thì rác lại trở thành tài nguyên” - PGS.TS Bùi Thị An nói. Song, vấn đề bà An lo ngại nhất, là khi thu phí rác theo khối lượng, thì cần phải tính toán kỹ, có cách làm phù hợp để không phiền hà cho người dân.
Đồng tình với quan điểm đó, đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất về bảo vệ môi trường cái quan trọng là nhận thức. Nếu nhận thức không tới, không hết mà chỉ coi đó là rào cản, gánh nặng thì hành vi, hành động sẽ là sự trốn tránh. “Do vậy, phải làm sao để người dân, doanh nghiệp nhận thức được đó là trách nhiệm của toàn dân và cả hệ thống chính trị. “Tự mình có trách nhiệm với chính mình”, có nhiều vấn đề không nhận thức được thì không bao giờ thay đổi được” - ông Hải nói.
Được biết, vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, Đài Loan (Trung Quốc) là khu vực ô nhiễm rác thải đô thị trầm trọng nhất thế giới khi rác không được phân loại, người dân thường đổ rác ngay cạnh nơi ở. Những núi rác chồng chất, ngập ngụa trên đường phố khiến Đài Loan từng mang tên gọi khác không mấy hay ho - “Đảo Rác”.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài nỗ lực cải thiện môi trường và ứng phó với rác thải, Đài Loan đã trở thành một trong những điểm sáng của thế giới về phân loại và xử lý rác thải, có môi trường sạch đẹp đáng ngưỡng mộ. Với những nỗ lực lớn, Đài Loan có mức tái chế đạt 55% vào năm 2015. Theo Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan (EPA), tỷ lệ này cao gấp hơn chục lần so với mức 5% vào năm 1998.
"Kể cả đã phân loại rác tại nguồn thì vẫn phải thu phí rác thải theo lượng (khối lượng, thể tích...) và cách triển khai thực hiện, như bài học của nhiều quốc gia, không hề khó khăn chút nào. Với xử lý chất thải sinh hoạt, chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc, bởi ai cũng liên quan đến rác thải và xả rác mỗi ngày. Bởi thế để thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen ứng xử văn minh với rác trong cộng đồng phải có lộ trình thực hiện phù hợp. Đồng thời cần sự kiên nhẫn, cần mẫn trong việc thực hiện của cơ quan quản lý – chính quyền sở tại, người dân và DN thu gom xử lý chất thải." - PGS.TS. Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế |