Về Hà Tĩnh xem người dân chăm quả “chủ lực”

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, trên nhiều vùng quê Hà Tĩnh đâu đâu cũng bắt gặp “màu vàng” của cam - một loại quả đặc sản được xem là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp tại địa phương này.

Cam Hà Tĩnh được thu hoạch quả kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch năm sau.
 Với 2 loại chính là Cam Bù và Cam Chanh, trong đó Cam Bù là sản phẩm đặc sản, đặc hữu riêng có của Hà Tĩnh, tập trung chủ yếu tại huyện Hương Sơn; Cam Chanh có nguồn gốc từ giống cam Xã Đoài thơm ngon, nổi tiếng, được đưa vào sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh hàng chục năm nay, tập trung tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc và một số địa phương khác.
 Diện tích sản phẩm cam của Hà Tĩnh theo tiêu chuẩn VietGAP đạt trên 1.657ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha, tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.

Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù và được người dân đầu tư, áp dụng quy trình sản xuất, đảm bảo kỹ thuật, an toàn thực phẩm nên các sản phẩm cam Hà Tĩnh có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, đặc biệt hơn các vùng khác. Hiện nay, tổng diện tích trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7.900ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc; diện tích cho sản phẩm đạt gần 5.600ha.

 Địa phương đã triển khai, chú trọng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ nhằm mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. 
 Đồng thời, xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những bước đi quan trọng nhằm gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Cam Hà Tĩnh đã được kết nối tiêu thụ tại hệ thống phân phối, bán lẻ lớn như chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+, siêu thị Co.opmart, siêu thị Big C... 
 Hà Tĩnh đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Đến nay, sản lượng cam bước đầu tiêu thụ trên hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử mới chỉ đạt khoảng 13.000 - 14.000 tấn.
 Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xây dựng gian hàng cam trên các sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam như Voso, Postmart, Sendo, Shopee...
 Mặc dù sản phẩm cam Hà Tĩnh được sản xuất quy mô khá, quy trình theo tiêu chuẩn VietGap, được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên phần lớn tiêu thụ qua các thương lái đến thu mua trực tiếp tại vườn. Việc xúc tiến để phát triển thương hiệu cam Hà Tĩnh vào hệ thống phân phối lớn như siêu thị, sàn thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch còn hạn chế.
Khi tiếp cận kênh tiêu thụ cam qua sàn thương mại điện tử gặp một số bất cập, do đặc thù sản phẩm cam khó bảo quản trong quá trình vận chuyển, chi phí logistics cao. 
 Vì vậy, rất cần sự quan tâm của các ngành, tỉnh, TP... trên cả nước tăng cường hỗ trợ, kết nối để người tiêu dùng biết và được thưởng thức đặc sản ''cam Hà Tĩnh''.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần