KTĐT - Bức tường Berlin được dựng nên năm 1961 với mục đích ngăn cản những cuộc di cư ồ ạt của người dân từ Đông Đức sang Tây Đức. Bức tường dài 155 km đã chia cắt hai miền suốt 28 năm.
Gerhard Kriedner phủ lớp sơn hồng lên phần tường dài hơn chục mét trên Bức tường Berlin, tái hiện tác phẩm mà ông đã thực hiện trên đó vài tháng sau khi nó bị kéo sập ngày 9/11/1989.
Một đoạn của bức tường Berlin vào năm 1986. Ảnh: sheppardsoftware.com. |
Kriedner cùng 90 nghệ sĩ từ khắp thế giới đang trở lại Berlin để vẽ lại tác phẩm gốc của họ trên bức tường, mang lại sức sống mới cho những hình ảnh đã bị phai mờ sau hai thập kỷ.
"Đây quả là một trải nghiệm đầy xúc động đối với tôi", Kriedner, 69 tuổi, cho biết.
Bức tường Berlin được dựng nên năm 1961 với mục đích ngăn cản những cuộc di cư ồ ạt của người dân từ Đông Đức sang Tây Đức. Bức tường dài 155 km đã chia cắt hai miền suốt 28 năm.
Trong vài tháng trở lại đây, các nghệ sĩ ở Berlin nỗ lực khôi phục những tác phẩm trên đoạn tường dài 1,3 km có tên East Side Gallery. Tổng cộng có khoảng 106 bức vẽ và graffiti trên tường, thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan mỗi ngày.
"Bức tường bị hỏng lỗ chỗ", AP dẫn lời Kriedner nói khi ông chấm phá nét cuối trong bức vẽ. Bức vẽ của ông mô tả một không gian tối tăm, cằn cỗi với những bọt bong bóng xà phòng màu hồng và xanh nhạt nhảy múa.
"Để làm thế này, toàn bộ các tác phẩm trên tường bị xóa đi, sau đó, chúng được vẽ lại bằng sơn chống thấm", Kreidner nói và thêm rằng ông đã phải xem kỹ tác phẩm trước kia của ông để đảm bảo phiên bản mới giống hệt cái cũ.
Kani Alavi, thuộc hiệp hội nghệ sĩ của East Side Gallery, khởi xướng nỗ lực khôi phục lại các tác phẩm này. Alavi vận động từ nhiều năm nay và gây quỹ được tới 3,7 triệu USD từ chính quyền các thành phố, các bang và liên bang để phục vụ cho dự án.
Một đoạn của bức tường Berlin ngày nay. Ảnh: Đình Chính. |
Trong số những nghệ sĩ ban đầu, 5 người từ chối tham gia tái hiện bức vẽ. 6 người khác đã qua đời và tác phẩm của họ được những nghệ sĩ khác vẽ lại. "Việc khôi phục lại những tác phẩm này rất quan trọng. Berlin ngày nay có hẳn một thế hệ không hay biết hoặc không được chứng kiến sự kiện lịch sử ngày bức tường bị kéo sập", Alavi nói.
Phần phía tây của tường được phủ kín bằng những hình vẽ graffiti trong suốt hàng thập kỷ. Phần phía đông được cảnh sát biên giới canh gác. Chỉ khi bức tường sụp đổ năm 1989, một nhóm nghệ sĩ ở Berlin mới sang trang trí đoạn tường còn sót lại. Đây là nỗ lực hợp tác về nghệ thuật đầu tiên trong thành phố từng bị chia cách.
Berlin kêu gọi nghệ sĩ khắp thế giới cùng tham gia trang trí phần tường ở phía đông. "Hồi đó chúng tôi chẳng có gì, chỉ có sơn rẻ tiền và chổi vẽ. Tuy nhiên, chúng tôi rất sung sướng vì những thay đổi lịch sử và muốn thể hiện nó trong các tác phẩm", Alavi nói.
Kể từ đó, ô nhiễm, thời tiết và thời gian đã làm mờ đi những hình ảnh nổi tiếng, như bức mô tả nụ hôn hữu nghị giữa lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev. Ngoài ra, bức tường cũng bị ảnh hưởng do nhiều người sưu tập đồ lưu niệm phá hoại nó. Nhiều du khách thậm chí còn viết tên và ghi thông điệp lên trên các bức vẽ.
Tuy vậy, nhiều người không thực sự thích thú với việc sơn lại tường Berlin. Julie Zinster, một du khách ở California, Mỹ, cho biết cô thích những hình vẽ này, nhưng nét sơn mới khiến nó không còn tính nguyên bản. "Cảm giác như là vẻ đẹp của thành phố này vơi đi một chút", Zinser nói sau đó chụp ảnh với hai cô con gái.