Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về với mảnh đất anh hùng

Hồ Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã mong muốn từ lâu, nhưng mãi cho đến bây giờ, may mắn được là thành viên trong đoàn đại biểu TP Hà Nội về tri ân các anh hùng liệt sỹ nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), tôi mới có dịp được về thăm Quảng Trị -miền đất làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc vào đúng những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa.

Từ Mũi Rồng đến Thành Cổ

Đoàn đại biểu TP trong chuyến công tác lần này gồm hơn 40 người, do Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn làm Trưởng đoàn. Hầu hết mọi người trong đoàn đều đã từng hơn một lần về dâng hương tại Quảng Trị. Duy chỉ có tôi là thành viên trẻ tuổi nhất và đây cũng là lần đầu tiên tôi được tham gia một hoạt động ý nghĩa và thiêng liêng như vậy.
Đại tá Phạm Quang Tiềm cùng các thành viên trong đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: Hồ Thủy Tiên.
Trước khi đến Quảng Trị, đoàn đã đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng ở. Vũng Chùa – Đảo Yến. Ở nơi thiên nhiên kỳ vĩ, lưng tựa núi Thọ Sơn, mặt hướng ra biển Đông, phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm tại Mũi Rồng, mũi đất vươn ra biển, đối diện với Đảo Yến. Mấy nghìn cây thông và dừa được trồng nhằm tôn tạo cảnh quan khu mộ Đại tướng giờ đây đã phủ xanh núi Thọ Sơn và dọc theo con đường nhựa ven biển dẫn vào khu mộ. Trước anh linh của Đại tướng, đoàn đại biểu TP đã kính cẩn nghiêng mình, thể hiện niềm tri ân sâu sắc đối với những công lao to lớn của Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ngày đoàn đến dâng hương, mặc dù không phải dịp lễ tết hay cuối tuần, nhưng rất đông người với độ tuổi khác nhau tới thăm viếng, tưởng niệm tại khu mộ Đại tướng.

Tiếp đó, đoàn đã tới viếng thăm Khu Di tích lịch sử Hang Tám cô giữa đại ngàn Trường Sơn thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây, vào năm 1972, 8 liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông trên con đường 20 Quyết Thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở độ tuổi đôi mươi như tôi hiện giờ, 8 cô gái TNXP ấy đã cống hiến trọn tuổi xuân của mình tại “tọa độ lửa”. Không chỉ ở Quảng Bình, một câu chuyện bi hùng khác đã từng xảy ra tại Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1968. Trong hành trình, đoàn cũng tới viếng thăm Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái TNXP đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, phá bom nổ chậm sửa chữa đường để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Tại trọng điểm này, trong 360 ngày đã có đến 1.600 cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Sau hơn bốn chục năm, câu chuyện về những cô gái TNXP ấy vẫn mãi được nhắc nhớ như bản tráng ca bất diệt, ngã xuống khi ở độ tuổi đẹp nhất đời.

Ngày về Quảng Trị, đoàn đã đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị. Đây đều là những “địa chỉ đỏ” khắc ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc. Giữa trong số hơn 10.000 mộ nằm san sát nhau tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, khu liệt sĩ TP Hà Nội quy tụ hơn 500 mộ ghi danh những người con ưu tú từ các quận trung tâm đến các huyện ngoại thành của Thủ đô,… Sau khi dành một phút mặc niệm thiêng liêng để tri ân các anh hùng liệt sĩ, cả đoàn đi tỏa ra thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính trước anh linh các chiến sỹ. Trước khi cắm nén hương xuống mộ, ai cũng dừng lại dù chỉ vài giây để tưởng niệm những người con ưu tú Hà Nội. Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn lặng lẽ sửa lại cho chỉn chu những bông sen trên mộ. Cả một vùng đồi núi trầm mặc. Trời nắng gắt bỗng dịu lại.

Cái thời “không dám yêu, không dám cưới”

Miền Trung, nắng như đổ lửa. Trên đường đi, tôi ngồi cạnh Đại tá Phạm Quang Tiềm - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội. Ông là một trong những người lính chiến năm xưa. Chỉ tay ra Đường 9, ông kể: “Nhìn con đường đẹp bây giờ tôi lại nhớ đến những tháng ngày hành quân đường rừng mấy tháng trời cùng đồng đội. Nghĩ lại mới thấy khổ chứ hồi đó chúng tôi có biết khổ là gì đâu. Được ra chiến trường là hạnh phúc lắm”. Hồi tưởng về quá khứ, ông Tiềm cười rồi nói: “Thời ấy, sống được ngày nào biết ngày đó. Ngày ấy tôi cũng chẳng dám yêu, chứ đừng nói là cưới. Mình đi chiến đấu nào có biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cũng nhiều anh nghĩ như tôi, chẳng muốn làm khổ “người ta”. Đến giờ, tôi biết mình đã may mắn hơn rất nhiều người”.

Năm 1972, lịch sử đã chọn Quảng Trị và cũng từ đây, Quảng Trị đảm nhận sứ mệnh lịch sử với cuộc chiến đấu oanh liệt 81 ngày đêm. Trong những năm tháng khốc liệt đó, những người chiến sỹ lại đầy lạc quan và có một niềm “hăm hở” ra trận đến lạ kỳ. “Từng đoàn quân, súng lớn, súng nhỏ rầm rập bước chân như lay động cả núi rừng”, phóng viên chiến trường báo Quân đội nhân dân Đoàn Công Tính tại Thành cổ đã kể như vậy. Phải, cả một thế hệ thời đó hướng về chiến trường với một suy nghĩ: Đường vui nhất là đường ra trận. Vì thế mà trong Nhật ký của mình, Anh hùng Lê Mã Lương đã viết: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.

Giờ đây, tại Thành cổ Quảng Trị, khi được nghe kể về những câu chuyện bi tráng của chiến sĩ vượt sông Thạch Hãn và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, nhiều người trong đoàn đã không kìm được nước mắt… Trong 81 ngày đêm đó, hàng ngàn chiến sỹ đã hy sinh tại đây đến nay chưa tìm được hài cốt vì cả Thành cổ đã bị bom đạn san bằng. Tại trung tâm di tích Thành cổ, một đài tưởng niệm như ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sỹ đã ngã xuống trong những ngày đêm khốc liệt này. Và khác với nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (quy tập hơn 2 vạn hài cốt liệt sĩ), tại nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị cũng chỉ có một ngôi mộ chung duy nhất.

Tự hào và trách nhiệm

Trong các cuộc kháng chiến, hàng vạn người con của Hà Nội ra trận đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Sau chiến tranh, Hà Nội cũng là nơi thực hiện chính sách thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng có quy mô lớn nhất cả nước. Hà Nội không chỉ thực hiện chính sách đó trên địa bàn Thủ đô mà còn gửi gắm tấm lòng của mình đến với các tỉnh thành khác. Như Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Khuất Văn Thành chia sẻ với chúng tôi, trong những năm qua, Hà Nội đã và đang thực hiện công tác Đền ơn đáp nghĩa một cách tích cực nhất. Trong đó, coi trọng công tác liên hệ, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị đi thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình nghĩa tại nhiều tỉnh, TP. Riêng TP Hà Nội, tính đến ngày 14/6/2017, đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 5.825 hộ người có công. Bên cạnh đó, các hoạt động thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách được tổ chức đều đặn vào dịp lễ, tết... Tháng 7 hàng năm, thanh niên Thủ đô tổ chức các đoàn về dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ không chỉ tỉnh Quảng Trị mà còn ở nhiều “địa chỉ đỏ” của đất nước. Và những ngôi nhà nhân ái tri ân các gia đình chính sách, người có công tại Quảng Trị cũng đã được khởi công bởi tuổi trẻ Thủ đô. “Hoạt động này sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước và sống có trách nhiệm của thế hệ trẻ” – Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho biết.

Lưu lại những cảm xúc chân thành tại Thành cổ Quảng Trị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn ghi: “Mỗi lần trở lại nơi đây, mỗi người chúng tôi cùng cảm thấy những công việc mình đã và đang làm so với những hy sinh của các anh là quá nhỏ bé. Nghĩ về điều này, chúng tôi thật tự hào vì lớp cha anh mình – một thế hệ đã coi thường cái chết, sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân cho độc lập dân tộc, cho hạnh phúc Nhân dân. Chắc chắn sự hy sinh của các anh sẽ mãi là động lực để lớp lớp thế hệ hôm nay phấn đấu và noi theo”.

Tháng 7, đứng trên mảnh đất lịch sử Quảng Trị, hình ảnh những người mẹ, người cha, người vợ, người con lặng lẽ ngồi cạnh bên ngôi mộ người thân đã khiến tôi ngẹn ngào khắc nhớ. Họ đã giúp tôi hiểu phần nào sự khốc liệt của chiến tranh với những mất mát, hy sinh, đau thương khôn xiết. Mỗi bước đi trên miền đất anh hùng, trong dâng trào cảm xúc, chúng tôi hiểu rằng, để có hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc mà thế hệ chúng tôi được hưởng chính là nhờ công lao, xương máu của biết bao thế hệ cha ông đã đổ xuống, càng thấy mình phải sống sao cho xứng đáng với cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.