Việc triển khai sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp khi đi khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Đề án 06, góp phần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp đón người bệnh, để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ KCB BHYT... Song đáng nói là qua gần 9 tháng thí điểm, số lượng người dân đi KCB BHYT được tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chíp đạt tỷ lệ rất thấp.
Tính từ tháng 3/2022 đến nay, toàn quốc đã có 92% tổng số cơ sở KCB BHYT, sử dụng CCCD gắn chíp, để tra cứu thông tin người bệnh khám chữa BHYT. Tuy nhiên, tỷ lệ tra cứu thành công mới đạt 61,33% trên tổng số lượt được tra cứu. Đáng nói, tỷ lệ lượt KCB có tra cứu bằng CCCD gắn chíp trên tổng số lượt KCB mới chỉ đạt khoảng 4,36%.
Nguyên nhân được cho là do nhiều người dân chưa hiểu về điểm mới này, đi KCB vẫn dùng thẻ BHYT giấy, chưa quen với việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp. Mặt khác, nhiều trường hợp chưa xác thực được số định danh/CCCD trên phần mềm.
Cùng với đó, mã QR trên CCCD quá nhỏ, thiết bị khó quét để đọc thông tin hoặc khi sử dụng máy quét mã QR tra cứu thông tin thẻ BHYT trên CCCD gắn chíp bị lỗi font về họ tên và lỗi ngày sinh, làm cho tỷ lệ tra cứu thành công đạt thấp...
Ngoài ra, tại một số cơ sở y tế, số lượng máy quét thẻ QR được đầu tư rất ít hoặc không có. Một số người dân chưa được cấp, đổi thẻ CCCD gắn chíp, dẫn đến tình trạng nhiều người bệnh đến cơ sở KCB BHYT khi được tiếp nhận bằng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT nhưng tra cứu không thành công.
Trước thực tế trên, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát tình hình thí điểm thực hiện KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID của Bộ Công an. Phấn đấu đến hết năm 2022, đạt tỷ lệ 100% cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, với 20% người dân khi đi khám BHYT tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chíp, hoặc qua ứng dụng VNEID.
Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị cần tăng cường công tác thông tin, để người dân được biết, hiểu về những tiện lợi, lợi ích trong việc sử dụng CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT, từ đó dần thay đổi thói quen cũ. Cùng với đó, vấn đề đồng bộ hóa dữ liệu, tháo gỡ những vướng mắc, trong việc sử dụng CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT, trong việc đăng ký KCB tại các cơ sở y tế, cũng sẽ cần phải nhanh chóng thực hiện…
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống dữ liệu, khắc phục lỗi khi sử dụng CCCD gắn chíp - bài toán về trang bị hệ thống máy đọc CCCD với các cơ sở KCB - đặc biệt là tại các địa bàn, vùng khó khăn cũng đang được đặt ra để có thể đồng bộ việc thay thế thẻ BHYT bằng CCCD khi đăng ký KCB.
Đề cập đến vấn đề này, theo Bộ Công an, từ ngày 1/1/2023 sẽ sử dụng CCCD tích hợp đầy đủ các thông tin trong đó có BHYT. Do đó, để triển khai sổ sức khỏe điện tử, BHXH Việt Nam chỉ đạo mở dịch vụ khai thác thông tin KCB bằng bảo hiểm để hiển thị thông tin trên ứng dụng VNeID, tạo tiện ích cho người dân.
Thực tế cho thấy, việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp điện tử đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Thực hiện chuyển đổi số là một quá trình, cần phải làm từng bước, bài bản và đồng bộ.
Trước hết, các cơ sở y tế tuyến dưới cần được đầu tư trang thiết bị công nghệ số phục vụ KCB. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, tư vấn cho người dân hiểu, trên cơ sở đã có CCCD gắn chip, tiếp tục làm thủ tục để được cấp mã VNEID phục vụ hiệu quả các giao dịch hành chính, dân sự, trong đó có KCB BHYT.