Vi phạm trật tự đô thị bủa vây Hồ Tây: Vì sao vẫn chưa được xử lý triệt để?

Vân Nhi - Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay những hành vi vi phạm trật tự đô thị vẫn thản nhiên tồn tại xung quanh Hồ Tây, trong đó điển hình là phố Vệ Hồ, Nhật Chiêu…

 Hàng quán thản nhiên chiếm dụng vỉa hè các tuyến đường quanh Hồ Tây.
Báo Kinh tế & Đô thị ngày 28/12 có bài: “Vi phạm trật tự đô thị bủa vây Hồ Tây” phản ánh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vườn hoa… tại các tuyến đường xung quanh Hồ Tây làm nơi kinh doanh gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị…
 Vỉa hè là nơi bày bàn ghế, lòng đường là nơi để phương tiện... đó là thực trạng đã và đang diễn ra quanh Hồ Tây.
Sau khi báo phản ánh, các lực lượng chức năng phường Xuân La, quận Tây Hồ đã tổ chức ra quân xử lý các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị từ ngày 12/1 đến nay, những vi phạm trên vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận, đặc biệt là khu vực phố Nhật Chiêu, Vệ Hồ... Nhìn chung, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thảm cỏ… dọc tuyến đường không có nhiều thay đổi so với trước đó.
 
 Vỉa hè Hồ Tây bị chiếm dụng.
Trao đổi với phóng viên, một số người dân trong khu vực cho biết, tình trạng “ném đá ao bèo” đã tồn từ nhiều năm nay, lực lượng chức năng cũng đã nắm được, người dân cũng nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng không được xử lý dứt điểm.
Trước đó, như đã phản ánh, tại cuộc họp tổng kết 9 tháng năm 2020 của Ban chỉ đạo 197 quận Tây Hồ, liên quan đến tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh quanh khu vực Hồ Tây, Đại tá Mai Trọng Thắng - Trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết, trong thời gian tới, Công an quận sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng ra quân duy trì việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức cuốn chiếu.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè Hồ Tây làm nơi kinh doanh ngày càng diễn ra công khai.
Cụ thể, các lực lượng chức năng sẽ làm đến đâu, triệt để đến đấy, sau đó bàn giao lại cho lực lượng công an các phường, tự quản, đoàn viên thanh niên (đeo băng đỏ) để cắm chốt. Trong đó, thời gian thực hiện từ 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Thời gian thực hiện trong vòng 1 tháng để công tác quản lý trật tự đô thị đi vào nề nếp.
 Trước việc tình trạng lấn chiếm kéo dài đã khiến dư luận đặt ra rất nhiều câu hỏi với vai trò quản lý của các lực lượng chức năng phụ trách địa bàn.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến thời điểm này, những vi phạm trên vẫn chưa được xử lý, thậm chí còn có diễn biến phức tạp hơn trước. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng các lực lượng chức năng địa phương đang cố tình làm ngơ cho vi phạm tồn tại?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần