Trong số 2 ứng cử viên, bà Hillary được biết đến nhiều hơn ở ngoài biên giới Mỹ, do đã từng đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng giai đoạn 2009 - 2013. Đa số người dân tại 12 trong số 14 nước châu Âu và châu Á có niềm tin vào chiến thắng của bà Hillary. Cụ thể: Thụy Điển là 83%; tại Đức là 79% và Nhật Bản là 70%. Trong khi đó, quan điểm của người Trung Quốc với bà Clinton khá chia rẽ, với 37% có niềm tin vào cựu Ngoại trưởng và 35% nói không. Còn tại Ấn Độ, ứng viên đảng Dân chủ vẫn còn chưa được nhiều người biết đến, khi khoảng 56% không có ý kiến về khả năng giải quyết các vấn đề thế giới của bà Hillary. Về ông trùm bất động sản Donald Trump, chưa đến 1/4 người dân trên tất cả 15 quốc gia được khảo sát vào năm 2016 thể hiện sự tự tin vào khả năng thực thi những điều đúng đắn về vấn đề quốc tế của ứng viên Cộng hòa.
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Hillary Clinton. |
Tuy nhiên, các ứng viên cho vị trí chủ nhân Nhà Trắng, dù là ông Trump hay bà Hillary, đều phải đối mặt với thử thách lớn là bị so sánh với ông Obama, người có sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng trong đối sách ngoại giao. Tại châu Âu, đa số người dân ở 9/10 quốc gia được khảo sát tin rằng, Tổng thống sắp mãn nhiệm có khả năng giải quyết các vấn đề quốc tế, như 93% tại Thụy Điển và 91% tại Hà Lan. Mặc dù có ít người ủng hộ hơn ở châu Á, ông Obama vẫn được yêu thích khi 78% người dân Nhật và 52% ở Trung Quốc tin tưởng vào các thành quả của ông Obama trên trường quốc tế.
Lịch sử đã chứng minh rằng, sự ủng hộ từ bên ngoài đối với sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ là kết quả của hy vọng. Điển hình là năm 2008, trong bối cảnh của cuộc chiến tranh Iraq đặt Washington bất hòa với các nước khác, mức độ tin tưởng đối với Tổng thống Mỹ thời điểm đó là George W. Bush đã giảm xuống còn 16% ở Vương quốc Anh, 14% ở Đức và 13% ở Pháp. Điều này phần nào khiến sự tin tưởng đối với ông Obama khi vừa đắc cử trong năm 2009 tăng cao, mặc dù ông chưa có nhiều cơ hội phô diễn tài năng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn Tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đến “thiện cảm” của các nước với Mỹ. Bằng chứng là trong số các nước được khảo sát, đa số có cái nhìn ủng hộ Mỹ nhiều hơn sau khi ông Obama nhậm chức. Ngay cả Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh ngôi vị nền kinh tế số một của Mỹ, cũng có tới 47% người dân bày tỏ sự quan tâm với cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới. Năm 2009, 15 trong số 24 quốc gia được khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew, không bao gồm Mỹ, phần đông người dân cho rằng, ông Obama sẽ không hành động đơn phương mà sẽ cân nhắc lợi ích của các nước khi đưa ra quyết sách. Dư luận cũng nghiêng về quan điểm, ông Obama sẽ công bằng trong chính sách với người Israel và người Palestine. Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát sự biến đổi khí hậu toàn cầu của ông cũng tạo ra sự tín nhiệm từ cộng đồng quốc tế. Như vậy, việc quan điểm quốc tế về Mỹ có thay đổi hay không phụ thuộc rất lớn vào việc ai sẽ trở thành Tổng thống mới. Và lịch sử chứng minh, dù cho ai trở thành Tổng thống kế tiếp của Mỹ, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton hay ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, đó cũng sẽ là người tác động đến hình ảnh và đưa ảnh hưởng Mỹ lên khắp thế giới.