Đó là ý kiến của ông Đinh Nho Bảng, Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên về các vấn đề xung quanh thị trường vàng hiện nay.
Mặc dù giá vàng trong nước giảm mạnh, nhưng mức giảm vẫn chưa tương xứng với giá vàng thế giới.Ảnh: Linh Anh
Vừa qua, giá vàng thế giới rớt mạnh, tuy nhiên, vàng trong nước chỉ giảm nhỏ giọt? Liệu mức giảm này có tương xứng không, thưa ông?
- Từ cuối tuần qua, những thông tin xấu về sự bất ổn của các nền kinh tế lớn đã khiến giá vàng thế giới rớt mạnh xuống mức 1.370 USD/ounce. Chỉ trong 4 phiên giao dịch kể từ ngày 13 - 16/4, giá vàng đã mất 135 USD/ounce, giảm 13%; so với đỉnh giá vàng giảm gần 1.800 USD vào đầu tháng 1, tương đương 25%.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng trong nước vẫn đắt hơn vàng thế giới trên 5 triệu đồng/lượng. Rõ ràng, như vậy mức giảm của vàng trong nước vẫn chưa tương xứng với giá vàng thế giới.
Trước đây, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ khoảng 3 triệu. Tại sao, sau các phiên đầu thầu, cung tăng, chênh lệch không những không giảm mà còn lập thêm nhiều kỷ lục, thưa ông?
- Theo NHNN, thông qua các phiên đấu thầu, NHNN sẽ từng bước bình ổn thị trường vàng, chứ không bình ổn giá vàng. Việc đưa giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới phải có lộ trình, không thể vội được.Tuy nhiên, có một thực tế là, giá mời thầu NHNN đưa ra trong các phiên đấu thầu đa số là cao hơn giá thế giới nên DN cũng phải bán ra thị trường với giá cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến vì sao vàng Việt Nam luôn đắt hơn vàng thế giới.
Ông dự báo thế nào về xu hướng giá vàng thời gian tới? Người dân có nên mua vào thời điểm này không, thưa ông?
- Theo nhiều dự báo, giá vàng thế giới sẽ chỉ lình xình ở mức hiện tại, khó giảm sâu thêm nữa vì các Quỹ đầu tư đã bán ra quá nhiều.
Còn về lời khuyên, không ai dám đưa ra lời khuyên thời điểm giá vàng biến động dữ dội thế này. Lý do, vì vàng là một mặt hàng rất nhạy cảm, biến động từng giây, đến những người nhiều kinh nghiệm trong giới kinh doanh vàng còn có lúc bị "bỏng tay" vì không dự đoán được xu hướng đi xuống quá nhanh hay tăng mạnh đột ngột của giá vàng.
Hơn nữa, chính sách của Nhà nước và Chính phủ là chống vàng hóa nền kinh tế, khuyến khích gửi tiết kiệm hoặc đầu tư, không khuyến khích mua vàng. Bởi thế, chúng ta cần thận trọng trong các quyết định mua bán vàng ở thời điểm hiện tại.
Theo ông, thời gian tới cần có chính sách gì để vừa bình ổn thị trường vàng, vừa kéo gần khoảng cách với giá vàng thế giới?
- Theo tôi, muốn thị trường liên thông thì phải cho xuất nhập đều đặn vàng để ổn định cung - cầu thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Giá vàng biến động, vàng nhỏ lẻ hút khách
Áp lực bán tháo và sự hoảng loạn của giới đầu tư khiến giá vàng quốc tế từ cuối tuần đến nay rớt giá mạnh nhất kể từ năm 1983. Sáng 16/4, giá vàng thế giới theo Kitto có giá quanh 1.335 USD/ouce.
Cùng với đà tuột dốc của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước biến động liên tục, có lúc xuống mức 38,8 - 39,6 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Biên độ mua bán cũng được nới rộng nhằm phòng trừ rủi ro mỗi khi thị trường biến động mạnh. Tuy nhiên, đến giữa giờ chiều, thị trường vàng thế giới quay đầu tăng, vàng trong nước cũng lên trên 41 triệu đồng/lượng.
Sáng 16/4, trước mức giảm kỷ lục của giá vàng, người dân kéo nhau đi tham khảo và mua vào làm các phố vàng tại Hà Nội như Trần Nhân Tông, Hà Trung tắc nghẽn. Kết thúc phiên đấu thầu sáng 16/4, NHNN bán được 25.700 lượng vàng cho 11 đơn vị, với giá dao động 38,7 - 38,92 triệu đồng/lượng, vùng giá thấp nhất trong gần 2 năm trở lại đây.
|