Đáng chú ý, trong số 7 bị can bị khởi tố có Hoàng Văn Toàn - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Trần Sơn Nam - nguyên Tổng Giám đốc của Trustbank.
Trước đó, tháng 9/2016, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) và 35 đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến những sai phạm trong thời gian Trustbank hoạt động. Trustbank chính là tiền thân của VNCB. Theo đó, HĐXX đã tuyên khởi tố tại tòa đối với Hội đồng tín dụng của Trustbank gồm bị can Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác.
Cụ thể, căn cứ các điều khoản của pháp luật, quá trình xét hỏi tại tòa và kiến nghị của Viện kiểm sát (VKS), HĐXX nhận thấy, Hội đồng tín dụng của Trustbank gồm bị can Hoàng Văn Toàn cùng các thành viên khác đã tham gia duyệt cấp tín dụng 2 hồ sơ vay đối với Công ty Đại Hoàng Phương và Công ty Thịnh Quốc với tổng số tiền 650 tỷ đồng. Đồng thời, chấp nhận sử dụng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa số 130 lô số 3 khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Bên cạnh đó, nhóm này còn không thực hiện đúng Hướng dẫn 852 ngày 12/8/2011 của Trustbank, về việc phối hợp sử dụng định giá của công ty nợ và khai thác tài sản đảm bảo của ngân hàng làm tài sản đảm bảo, khoản vay trên 500 triệu đồng phải định giá qua TrustAsset. Đối với hai khoản vay trên được xác định đã gây thiệt hại cho Trustbank số tiền hơn 470 tỷ đồng. Hành vi này của các bị can được xác định có dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tiếp đó, theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ tháng 7/2012, do sở hữu gần 85% cổ phần, nhóm bà Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam đã thao túng toàn bộ hoạt động của Trustbank nhằm phục vụ cho các công ty và dự án của bà Phấn. Theo đó, nhóm bà Phấn đã nhờ hàng chục người đứng tên để vay hơn 3.600 tỷ đồng với tài sản là đất nông nghiệp có giá trị thật 200.000 đồng/m2 nhưng được nâng lên mức 32 triệu đồng/m2; dùng gần 1.000 tỷ đồng của Trustbank để góp vốn vào các dự án kinh doanh bất động sản của Hứa Thị Phấn rồi sau đó chính bà này đã sử dụng khoản tiền vay trên cho mục đích cá nhân.
Ngoài ra, kết luận của NHNN cũng thể hiện, Trustbank đã tạm ứng cho công đoàn ngân hàng này 135 tỷ đồng để góp vốn với chính Công ty Lam Giang của bà Phấn; tạm ứng cho Công ty chứng khoán Đại Việt (có vốn góp của nhóm bà Phấn) 200 tỷ đồng. Đồng thời, bà Phấn và bị can Toàn còn mang 700 tỷ đồng của Trustbank gửi tại các tổ chức khác khiến những số tiền trên đến nay chưa thu hồi được. Như vậy có thể thấy, qua các sai phạm trên mọi lĩnh vực hoạt động, các đối tượng Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam đã có dấu hiệu rút ra hơn 12.000 tỷ đồng của Trustbank để sử dụng riêng.
Hiện, bị can Hoàng Văn Toàn và những người bị bắt giữ đã được di lý ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh, đại diện VKS cho biết, trước khi bán Trustbank, nhóm đối tượng gồm Hứa Thị Phấn, Hoàng Văn Toàn và Trần Sơn Nam đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến Trustbank rơi vào tình trạng âm 2.854 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng. Liên quan đến việc thông tin Cơ quan điều tra đã tống đạt các quyết định, bắt tạm giam ông Hoàng Văn Toàn - nguyên Chủ tịch HĐQT và ông Trần Sơn Nam - nguyên Tổng Giám đốc TrustBank, ngày 11/1, Ngân hàng Xây dựng (CB) phát đi thông báo, trong đó khẳng định, việc khởi tố và bắt giam các cá nhân trên thuộc phạm vi điều tra vụ án liên quan đến Trustbank không ảnh hưởng đến hoạt động của CB (được chuyển đổi từ VNCB và tiền thân trước đó là Trustbank). (Thảo Nguyên) |