Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao dịch vụ chuyển tiền “ngầm” vẫn có đất sống?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa kiều hối, các kênh chuyển tiền phi chính thức (ngoài các ngân hàng, đại lý, các công ty chuyển tiền), dịch vụ chuyển kiều hối từ nước ngoài về Việt Nam vẫn âm thầm hoạt động.

 
Vì sao dịch vụ chuyển tiền “ngầm” vẫn có đất sống? - Ảnh 1
Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), chi phí cạnh tranh, dịch vụ nhanh gọn là nguyên nhân khiến các dịch vụ chuyển tiền "ngầm" vẫn có đất sống.

34,5% chi kiều hối cho tiêu dùng

Trong báo cáo nhận định về kiều hối Việt Nam mới nhất vừa được CIEM và Western Union đưa ra thì tỷ lệ người nhận kiều hối gửi vào ngân hàng vẫn chiếm hơn 30%. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Mục đích đầu tư kiều hối thay đổi theo từng giai đoạn với những tính toán đầu tư dựa trên các chỉ số kinh tế vĩ mô, điều kiện sản xuất, kinh doanh. Năm 2006 - 2007, thị trường sốt nóng, kiều hối tập trung "chảy" vào bất động sản. Đến nay, kinh tế khó khăn, người nhận kiều hối không thấy khả năng sinh lời từ sản xuất, kinh doanh nên kiều hối lại tập trung vào kênh an toàn nhất là tiết kiệm ngân hàng. Sau kênh tiết kiệm, dòng kiều hối chảy vào sản xuất, dịch vụ, đầu tư và kinh doanh vàng, và vào thị trường bất động sản chỉ khoảng 3 - 5%…

Vậy, làm thế nào để nắn dòng vốn này vào sản xuất kinh doanh, thưa ông?

- Câu chuyện nguồn lực kiều hối chưa "chảy" vào sản xuất, tạo ra giá trị cho tăng trưởng kinh tế gắn với niềm tin vào thị trường, vào sự ổn định và phát triển của kinh tế trong nước. Bởi vậy, cải thiện kinh tế vĩ mô, minh bạch hóa môi trường kinh doanh và quan trọng nhất, cần tạo niềm tin cho nhà đầu tư, để họ nhìn thấy cơ hội sinh lời từ sản xuất là cách tốt nhất để nắn dòng chảy kiều hối phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo báo cáo của CIEM, mục đích sử dụng cao nhất của người nhận kiều hối là chi tiêu. Kết quả này liệu có đúng với tư duy "ăn chắc mặc bền" của người Việt Nam không, thưa ông?

- Con số 34,5% người sử dụng kiều hối vào mục đích chi tiêu hàng ngày; 15,9% sử dụng kiều hối đầu tư sản xuất và kinh doanh; 11,7% tiết kiệm; 8,1% chữa bệnh mua sắm vật dụng lâu bền/xây dựng, sửa chữa nhà cửa; 7,5% cho giáo dục và trả nợ chiếm 7,1%... được khảo sát trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam ở các tỉnh, thành có nhiều xuất khẩu lao động và nhân thân là Việt kiều.

 
Hoạt động nghiệp vụ tại một chi nhánh Ngân hàng Quốc tế. Ảnh: Trần Việt
Hoạt động nghiệp vụ tại một chi nhánh Ngân hàng Quốc tế. Ảnh: Trần Việt
Tuy nhiên, mục đích sử dụng kiều hối của các vùng cũng có sự phân hóa. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ người sử dụng kiều hối vào mục đích chi tiêu lên tới 44 - 45% tổng tiền kiều hối trong 3 - 5 năm gần đây. Trong khi đó, khu vực miền Trung (Quảng Bình, Nghệ An), kiều hối chủ yếu dành trả nợ...

Theo ông, con số 34,5% người dùng kiều hối để chi tiêu có đáng lo không?

- Trong bối cảnh tổng cầu của Việt Nam thấp như hiện nay, việc người dân sử dụng kiều hối vào chi tiêu là tốt. Đây cũng là yếu tố kích thích sản xuất, kinh doanh, tăng cầu cho thị trường. So với Philipines, nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới thì tỷ lệ này không cao.

Hơn nữa, khi ra lao động hoặc làm việc ở nước ngoài, bản thân Việt kiều gửi tiền về nước luôn muốn người thân có một cuộc sống tốt đẹp, no ấm, đủ đầy hơn. Bởi vậy, việc chi kiều hối cho tiêu dùng không đáng lo.

Giảm phí để cạnh tranh

Dịp Tết được coi là "mùa kiều hối" về Việt Nam. Dù các kênh chuyển tiền chính thức (qua các công ty chuyển tiền, các ngân hàng và các đại lý) có nhiều chính sách hút kiều hối, tuy nhiên, dịch vụ chuyển tiền "ngầm" vẫn âm thầm hoạt động. Tại sao, thưa ông?

- Hiện, có hai kênh thông dụng phi chính thức để chuyển kiều hối. Thứ nhất là nhờ người quen cầm tiền đưa về cho người thân với những món tiền nhỏ dưới 5.000 USD vì theo quy định, các món ngoại tệ dưới 5.000 USD thì không phải khai báo. Thứ hai, chỉ cần một cuộc điện thoại, bên Việt Nam người thân nhận tiền, bên kia, thân nhân trả tiền.

Chi phí thấp, nhanh gọn là những "điểm cộng" khiến dịch vụ ngầm này vẫn có nhiều "đất sống". Theo khảo sát của chúng tôi, đến nay, vẫn có  25% lượng kiều hối được chuyển về qua các kênh phi chính thức.

Vậy, giải pháp nào để hạn chế việc chuyển kiều hối qua các kênh phi chính thức này, thưa ông?

- Như tôi đã nói, bản chất của câu chuyện chuyển kiều hối "ngầm" vẫn hoạt động được là vì mức phí cạnh tranh, thủ tục nhanh gọn. Muốn chiến thắng, các kênh chuyển tiền chính thức, được pháp luật công nhận không còn cách nào khác là tăng sức cạnh tranh. Cạnh tranh bằng cách giảm phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng các dịch vụ gia tăng. Cùng với đó, cần truyền thông để người chuyển và nhận kiều hối hiểu rõ các ưu điểm, lợi thế của kênh chính thức như an toàn hơn, dịch vụ tốt hơn…

Xin cảm ơn ông!
Theo đại diện Công ty Western Union - đơn vị chuyển tiền với hơn 9.000 điểm giao dịch đại lý tại Việt Nam, năm 2014, kiều hối về Việt Nam ước đạt 11 - 12 tỷ USD. Dựa trên những giả thiết về tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam và toàn cầu, tỷ giá VND/USD, Western Union dự đoán, lượng kiều hối vào Việt Nam năm 2015 và 2016, sẽ tiếp tục tăng. Đến năm 2017, dòng tiền này sẽ bắt đầu giảm nhẹ.