Tuy nhiên, khi thị trường này trở nên sôi động, người tiêu dùng trong nước lại thấy vắng bóng những sản phẩm "made in Vietnam", thay vào đó là xe nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan… mà trong số đó một lượng lớn là hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Vậy, đâu là nguyên nhân?
Xe nội lép vế
Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), xe đạp điện trên thị trường Việt Nam hiện gồm xe NK và xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó, xe nội địa cũng chủ yếu là nhập linh kiện từ Trung Quốc, Đài Loan về lắp ráp, bán rẻ hơn xe nhập nguyên chiếc, dao động từ 8,5 - 11 triệu đồng/chiếc. Ngay tại Hà Nội, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng phòng quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Trên địa bàn TP hiện có nhiều đơn vị kinh doanh mặt hàng này, nhưng không có doanh nghiệp (DN) nội nào sản xuất, mà chỉ là nhập linh kiện, phụ tùng, thiết bị về rồi lắp ráp. Trong khi đó, các loại xe xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan mang thương hiệu Asama, Giant, Sukaki, Honda, Yamaha…, với kiểu dáng, màu sắc, chủng loại vô cùng phong phú đang chiếm thị phần chủ yếu.
Theo quan sát của phóng viên tại "Siêu thị xe đạp điện" Công ty TNHH MTV Thống Nhất trên phố Thái Hà (Hà Nội), khu trưng bày, bán xe đạp điện luôn trong cảnh vắng khách. Phần lớn thời gian, nhân viên bán hàng ngồi tán gẫu. Rất ít khách đến hỏi mua hay đơn giản chỉ là… ngắm xe. Tìm hiểu mới thấy,
chủng loại xe đạp điện ở đây khá nghèo nàn, chỉ có 2 mẫu xe chạy bằng ắc - quy, với giá bán 9.990.000 đồng/chiếc và 10.990.000 đồng/chiếc. Cùng với điểm yếu về chủng loại và mẫu mã, đại diện nhiều DN xe đạp điện phản ánh, một yếu tố khiến sản phẩm xe nội khó cạnh tranh trên thị trường hiện nay chính là thuế NK linh kiện, thiết bị quá cao. Trong đó, động cơ bị đánh thuế 30%, bình ắc - quy và một số bộ phận khác chịu tới 60%... Điều này khiến giá thành sản xuất lắp ráp trong nước khá cao, nên xe trong nước chưa thể cạnh tranh bằng giá bán so với sản phẩm NK cùng loại.
Bên cạnh đó, xe đạp điện sản xuất, lắp ráp trong nước cũng đang phải "chiến đấu không cân sức" với xe nhập lậu. Do các quy định quản lý xe đạp điện chưa đầy đủ, nên việc nhập lậu khá dễ dàng, trong đó phần lớn từ thị trường Trung Quốc và đều sử dụng hóa đơn quay vòng. Vì trốn thuế, nên xe có giá bán rất rẻ, khiến nhiều cơ sở sản xuất, lắp ráp trong nước và kể cả xe NK chính ngạch không thể cạnh tranh nổi.
Có lẽ chính bởi 2 lý do này mà nhiều DN Việt Nam e dè chưa dám đẩy mạnh đầu tư sản xuất xe đạp điện như một mặt hàng chiến lược, dù nhận thấy thị trường rất nhiều tiềm năng.
Mong luật được thực thi nghiêm
Xe đạp điện là mặt hàng thuộc diện quản lý, kinh doanh có điều kiện, vậy mà thực tế từ khâu NK đến kiểm soát chất lượng, giá cả... đều đang bị buông lỏng. Các DN lắp ráp xe đạp điện trong nước đề xuất, chỉ cần quản lý chặt về số khung, số máy xe đạp điện NK là sẽ hạn chế được chuyện nhập lậu. Hóa đơn nhập xe chính ngạch cần ghi cụ thể chủng loại xe, mẫu mã, số khung, số máy thì khó có thể quay vòng. Thực tế, cách ghi các hóa đơn này hiện rất chung chung, chỉ có 3 chữ "xe đạp điện", nên chuyện bị quay vòng là dễ hiểu.
Hiện, khá nhiều DN Việt Nam đang đầu tư sản xuất, lắp ráp xe đạp điện như Thống Nhất, Sufat, Tiến Lộc... Đây chủ yếu là những DN sản xuất xe đạp và lắp ráp xe máy của Việt Nam, nhà xưởng có sẵn. Các DN trong nước hy vọng, tới đây, một số quy định mới được thực hiện, xe nhập lậu sẽ bị quản lý chặt, xe NK chính ngạch cũng khó cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước do thuế suất thuế NK xe nguyên chiếc cao hơn nhiều so với NK bộ linh kiện, thị trường xe đạp điện sẽ có những thay đổi tích cực hơn. Bên cạnh đó, chi phí cho một dây chuyền lắp ráp xe đạp điện cũng không lớn, nên nhiều DN đủ khả năng đầu tư. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho DN Việt sản xuất kinh doanh xe đạp điện, và thêm cơ hội cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng, giá hợp lý mà an toàn, thân thiện môi trường.
Lựa chọn xe đạp điện tại cửa hàng số 61 Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Đức Giang
|
Sản lượng xe đạp điện của Trung Quốc hiện đạt 30 triệu chiếc/năm, trong đó gần 30% dành cho xuất khẩu, mà Việt Nam được coi là một thị trường tiềm năng. Chỉ riêng năm 2013, Việt Nam tiêu thụ khoảng 150.000 chiếc xe đạp điện, trong đó phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhiều hãng xe đạp điện Trung Quốc đang lên kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam, trong đó có hãng đã mở gần 70 showroom trên cả nước nhằm đón đầu các cam kết cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc và WTO. |