Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Hải Dương có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, dịch Covid-19 tại các tỉnh, TP đã cơ bản được kiểm soát. Riêng ổ dịch ở TP Hải Dương, theo nhận định của Bộ Y tế, diễn biến vẫn còn khó lường và có thể kéo dài. Vì sao Hải Dương có tỷ lệ mắc và lây lan Covid-19 cao đến vậy?

Ổ dịch mới tại TP Hải Dương rất phức tạp
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương, trong số các tỉnh, TP, tình hình dịch tại Hải Dương vẫn phức tạp, có khả năng còn kéo dài khi số lượng ca mắc chưa giảm, đặc biệt tại huyện Cẩm Giàng với các cụm khu công nghiệp số lượng công nhân lớn (60.000 người). Tính đến 6 giờ ngày 17/2, tỉnh Hải Dương ghi nhận 539 ca bệnh, tăng 40 ca. Dịch đã lan rộng ra 12/12 huyện, thị xã, TP của Hải Dương.

Đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương cho thấy, hiện Hải Dương đang có 5 ổ dịch lớn, gồm Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương. Trong đó, ổ dịch mới tại TP Hải Dương ghi nhận 24 ca mắc Covid-19. Liên quan ổ dịch này, ngày 16/2, ngành chức năng phát hiện 4 ca sống trong một gia đình ở phố Trần Sùng Dĩnh (phường Hải Tân, TP Hải Dương) thông qua giám sát sốt, ho cộng đồng.
 Người dân thực hiện cách ly tại trường Trung cấp nghề Việt Nam  - Canada tại TP Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Trung Sơn
Từ ngày 9/2 trở về trước chỉ có 4 ca mắc. Tuy nhiên, trong 7 ngày gần nhất, TP Hải Dương xuất hiện 19 ca, trong đó có 8 ca mắc trong cộng đồng. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hải Dương đã thiết lập 11 vùng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. “Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh khá lâu, các trường hợp F0 đã tiếp xúc với nhiều người, việc truy vết cũng gặp khó khăn vì vào đúng dịp Tết. Do đó, đây là ổ dịch có tính chất phức tạp thậm chí còn hơn Cẩm Giàng”- đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương phân tích.

Một câu hỏi lớn đang được dư luận đặt ra là: Vì sao Hải Dương có tỷ lệ mắc Covid-19 cao? Theo thông tin từ cuộc khảo sát nhanh tại 2 khu cách ly của Hải Dương, trong những ngày qua đã có 80 F1 đang cách ly tại 2 khu này trở thành bệnh nhân dương tính. Đoàn khảo sát cho biết, có nhiều vấn đề như bố trí, sắp xếp khu cách ly chưa ổn khi người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người có bệnh nền, phụ nữ có thai thay vì phải cách ly riêng nhưng ở đây vẫn cách ly chung.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chủ trì Bệnh viện dã chiến số 2 của Hải Dương cho rằng: "Hải Dương đang có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly và chưa cắt đứt được chuỗi lây. Khu vực dễ lây lan là nhà vệ sinh nhưng ở đây có nhà vệ sinh dùng cho tới 60 người. Việc cách ly mà không giãn cách, khó dập dịch sớm".

Trong khi đó, ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trưởng đoàn công tác phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương cho hay, việc xuất hiện những ca bệnh trong các khu phong tỏa tại Hải Dương là điều rất đáng lo ngại. "Phải dập tắt dịch, triệt tiêu nguồn lây ở các khu phong tỏa, không để lọt mầm bệnh ra bên ngoài" - ông Dương nhấn mạnh.

Bao giờ khống chế được nguồn lây?

Đưa ra những giải pháp chống dịch hiệu quả, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, việc cách ly cần được thực hiện nghiêm túc tại các khu cách ly tập trung. Sở Y tế Hải Dương cần có danh mục phương tiện cụ thể bổ sung cho các khu cách ly, bổ sung nhân lực chuyên trách giám sát việc thực hiện cách ly trong khu cách ly. Địa phương bố trí sắp xếp khu vực cách ly riêng cho những nhóm trường hợp nghi nhiễm và người bệnh nền mãn tính, tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch ở Hải Dương có yếu tố nguy cơ cao hơn Đà Nẵng do chủng mới có hệ số lây nhiễm cao hơn, thời gian ủ bệnh ngắn lại, tốc độ nhân lên của virus lần này gấp 4 lần chủng cũ. Theo Bộ Y tế, tình hình diễn biến dịch ở Hải Dương vẫn còn khó lường và có thể kéo dài. Bộ Y tế quan ngại nhất là Cẩm Giàng, bên cạnh đó là Kinh Môn và Nam Sách. So với đợt dịch ở Đà Nẵng, số ca mắc lần này đã vượt xa. "Chúng ta không đuổi theo mà phải chặn dịch. Cứ phát hiện ca nào lại đuổi theo ca đó là thất bại”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Để chống dịch hiệu quả, Bộ Y tế cho rằng, địa phương phải chấp nhận phong toả, giãn cách trong 2 tuần để chặn lại tốc độ lây nhiễm của dịch. Đồng thời, tỉnh Hải Dương cần thay đổi phương thức, mở rộng xét nghiệm. Tốc độ xét nghiệm cũng phải nhanh hơn. Đến ngày 17/2, công suất xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến 2 đã tăng 4 lần với 1.000 mẫu/ngày nhờ được sự hỗ trợ của BV Bạch Mai.

Về vấn đề lây chéo trong khu cách ly, Bộ Y tế đề nghị Hải Dương giao cho quân đội quản lý, vận hành toàn bộ những địa điểm cách ly lớn trên 50 người để đảm bảo tính tuân thủ nghiêm theo quy trình phòng dịch. Đối với những địa điểm cách ly tập trung công nhân của Nhà máy Poyun và Kuroda Kagaku, Bộ Y tế đề nghị Quân khu 3 đưa những trường hợp cách ly này ra khỏi Hải Dương, rải ra các địa phương do Quân khu quản lý. “Không cho trứng vào một giỏ” vì vẫn còn nguy cơ lây nhiễm.

Trả lời về vấn đề dịch ở Hải Dương bao giờ được khống chế, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho rằng, đây là vấn đề khó dự đoán. Bởi đến thời điểm này, tình hình dịch vẫn chưa được điều tra kỹ. Tuy nhiên, để kiểm soát dịch tốt, các đơn vị, địa phương phải quyết liệt trong xét nghiệm, truy vết. PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo, không riêng Hải Dương, nguy cơ dịch Covid-19 xảy ra ở mọi địa phương đều như nhau nếu người dân chủ quan, không phòng bệnh.

"Hải Dương đang có 13.000 người cách ly tập trung. Mật độ cách ly quá đông, trước đây có phòng 30 người, nay giảm nhiều cũng 10 - 15 người/phòng, trong khi nếu mật độ khu vực đó 5 người/phòng mới đảm bảo phòng dịch." - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế Dương Chí Nam