KTĐT - Các nhà sản xuất đối thủ đang cạnh tranh chật vật với Apple vì mức giá 500 USD của iPad, bởi họ chưa đạt độ tích hợp như Apple về chiến lược bán lẻ, thị trường nội dung số, thiết kế phần cứng và phần mềm.
Khi Steve Jobs giới thiệu iPad, điều ngạc nhiên nhất không phải là bản chất sản phẩm, mà là mức giá: chỉ 500 USD. Không ai ngờ đến con số đó, có lẽ vì Apple luôn có truyền thống nhắm đến phân khúc cao cấp trên thị trường máy tính di động, điển hình như dòng MacBooks với giá từ 1.000 USD trở lên. Và bởi các nhà lãnh đạo Apple luôn nói với các nhà đầu tư rằng họ không sản xuất máy tính loại 500 USD – chỉ là loại máy “bỏ đi”.
Nhưng Apple đã đạt được mức giá đó, và iPad cũng không phải là “loại máy bỏ đi”. iPad vẫn là sản phẩm bán chạy nhất đến nay. Trong khi đó, các sản phẩm cạnh tranh chật vật với mức giá 500 USD.
Gần đây, Motorola Xoom công bố mức giá 800 USD tại Mỹ (đúng hơn, chiếc cạnh tranh nhất về giá là 730 USD – nhưng không hề có Xoom 500 USD). Samsung Galaxy Tab với màn hình tương đối nhỏ 7 inch cũng có giá 600 USD không kèm hợp đồng.
Tại sao các nhà sản xuất lại vô cùng vất vả mà vẫn có mức giá khởi điểm cao hơn iPad? Và tại sao Apple lại đạt được?Theo các nhà phân tích, đó chính là chiến lược bán lẻ của Apple. Hiện nay, Apple có 300 gian hàng bán lẻ trên toàn thế giới, bán trực tiếp iPad đến người tiêu dùng. Đó là một lợi thế lớn, bởi nếu iPad được bán qua các gian hàng bán lẻ của bên thứ ba, một phần không nhỏ lợi nhuận sẽ vào túi các nhà bán lẻ này.
Apple cũng hợp tác với một số chuỗi bán lẻ như Best Buy và Walmart, nhưng những hãng này thường chỉ nhận một số lượng hàng nhỏ trong kho. Theo lý giải, mục tiêu thực sự của những mối hợp tác này không phải để bán iPad, mà để lan truyền thông điệp marketing cho iPad.
Ngoài ra, khi lý giải vì sao iPad có giá 500 USD, một vấn đề không thể không tính đến là chi phí sản xuất các linh kiện. Apple là công ty tích hợp nhất trên thế giới. Ngoài điều hành các chuỗi bán lẻ của riêng hãng, tất cả phần cứng, phần mềm của Apple đều được chính hãng tự thiết kế, và Apple còn điều hành cả gian hàng nội dung số iTunes.
Tự thiết kế nghĩa là Apple không phải trả các loại phí bản quyền cho các bên thứ ba khi sử dụng tài sản trí tuệ của họ. Chẳng hạn, chip A4 trong iPad dựa trên công nghệ do chính Apple phát triển và sở hữu (không phải của Intel, AMD hay Nvidia). Hệ điều hành cũng là của Apple, chứ không phải một hệ điều hành có giấy phép từ Microsoft hay Google.
Có thể đó là lý do tại sao HP mua Palm để sản xuất TouchPad? HP muốn sở hữu một hệ điều hành di động, nhằm kiểm soát mảng kinh doanh di động của hãng, và không phải phụ thuộc quá nhiều vào Microsoft.
Trên iTunes, Apple cũng hưởng doanh thu từ mỗi sản phẩm bán ra trong mỗi gian hàng trực tuyến của hãng, gồm App Store, iBooks và video, nhạc iTunes. iBooks vẫn còn cả chặng đường dài phía trước nếu muốn phổ biến rộng khắp và lớn như Amazon, nhưng App Store và iTunes thì thực sự là những gian hàng truyền thông số thành công nhất.
Ngoài ra, Apple đưa ra được mức giá thấp như vậy vì hãng có cả một hệ sinh thái hỗ trợ phía sau iPad, và cũng bởi iPad đã thừa hưởng chính sách kiểm soát giá chặt chẽ của Apple. Chính hệ sinh thái và chính sách kiểm soát giá là những yếu tố lớn góp phần tạo nên mức giá. Các nhà sẩn xuất đối thủ chật vật với mức giá 500 USD bởi họ không tích hợp như Apple, về mặt chiến lược bán lẻ, thị trường nội dung số, thiết kế phần cứng, phần mềm – về tất cả mọi thứ.