70 năm giải phóng Thủ đô

Vì sao lò gạch thủ công vẫn... đỏ lửa?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo UBND các quận, huyện đến cuối năm 2012 phải hoàn tất việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn.

Tuy nhiên, tại  vùng bãi sông Hồng của xã Liên Hồng và Liên Hà (huyện Đan Phượng), hàng chục lò gạch vẫn ngày đêm"đỏ lửa", gây ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất của người dân.Gây ô nhiễm môi trường

Có mặt tại vùng bãi sông Hồng thuộc xã Liên Hồng và Liên Hà, chúng tôi chứng kiến hàng chục lò gạch thủ công vẫn ngày đêm "nhả khói". Cả cánh đồng vùng bãi thuộc địa bàn giáp ranh xã Liên Hồng, Liên Hà như đại công trường ngổn ngang gạch mộc, than, củi được phủ kín bạt. Hàng chục thùng vũng đã được chủ lò đào sâu từ 10 - 15m, rộng hàng trăm mét vuông để lấy đất đóng gạch, nhiều vị trí khác đang tiếp tục bị cày xới. Bên cạnh đó, xe tải  chở gạch kéo hàng dài nối đuôi nhau ra khỏi khu lò rồi xuống phà qua sông Hồng.

Qua tìm hiểu được biết, do diện tích đất nông nghiệp vùng bãi sông Hồng của các xã canh tác không hiệu quả, nên năm 1995, Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Liên Hồng cùng UBND xã Liên Hà cho một số cá nhân thuê gần 20ha đất để trồng cây ngắn ngày. Một thời gian sau, nhiều người đã cho dân ngoài địa phương thuê lại mặt bằng để sản xuất gạch. Do ảnh hưởng từ khói lò, năng suất cây trồng giảm hẳn, nhiều thửa ruộng không có thu hoạch.
Lò gạch thủ công tại xã Liên Hồng và Liên Hà vẫn “nhả khói”.        Ảnh: Hải Nguyễn
Lò gạch thủ công tại xã Liên Hồng và Liên Hà vẫn “nhả khói”. Ảnh: Hải Nguyễn
Một người dân cho biết, toàn bộ tuyến đường giao thông dài gần 2km từ khu lò gạch đối diện sang bến phà cụm 1, xã Liên Hà luôn trong tình trạng lầy lội, bởi "ổ gà" do xe ô tô chở gạch ngày đêm cày xới. Mặc dù, năm 2012, UBND xã Liên Hồng và Liên Hà đã tuyên truyền, vận động các chủ lò tháo dỡ công trình để hoàn trả mặt bằng, nhưng việc thực hiện chỉ mang tính chất đối phó. Vì lợi nhuận, đầu năm 2013, các chủ lò tiếp tục đốt gạch, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và cây trồng của người dân.

Sẽ kỷ luật cán bộ có liên quan?

Sự tồn tại của lò gạch thủ công ở hai xã trên khiến người dân đặt nghi vấn: Phải chăng chính quyền sở tại làm ngơ cho vi phạm? Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Liên Hà Nguyễn Hồng Kiên cho biết: "Trước đây, trên địa bàn xã có 16 lò gạch thủ công, nhưng đã được giải tỏa dứt điểm từ cuối năm 2013. Hiện, số lò gạch thủ công đang "nhả khói" và toàn bộ vỏ lò chưa được tháo dỡ thuộc địa bàn xã Liên Hồng và xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) quản lý. Do nằm trên địa bàn giáp ranh nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn, bởi thiếu sự phối hợp giữa các bên…".

Lý giải về số lò gạch thủ công đang tồn tại trên địa bàn xã Liên Hồng, bà Cao Thị Kim Ánh - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hồng cho rằng, trên địa bàn xã hiện chỉ còn 16 lò gạch thủ công, số lò còn lại thuộc xã Liên Hà và Tráng Việt. Việc xử lý chưa có sự phối hợp giữa các địa phương là nguyên nhân khiến lò gạch thủ công vẫn tồn tại. Tuy nhiên, để chủ lò tái phạm có phần trách nhiệm của UBND xã. Do vậy, UBND xã đang tập trung hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch để tổ chức cưỡng chế trong tháng 4 tới".

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Trên địa bàn huyện vẫn còn lò gạch thủ công là do UBND các xã thiếu kiên quyết trong xử lý. Cụ thể, cuối năm 2012, UBND xã Liên Hồng đã tháo dỡ 27 lò gạch thủ công của ông Trần Trọng Tiến, nhưng chỉ tháo mái và một phần vỏ lò, do vậy, thời gian sau, chủ lò lại tái phạm. Trước thực trạng này, ngày 26/12/2013, UBND huyện đã có Văn bản số 1253/UBND-TNMT yêu cầu Chủ tịch UBND xã Liên Hồng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân do để xảy ra việc chủ lò gạch tái phạm. "Nếu trong tháng 4 tới, chủ lò không tự tháo dỡ hoặc UBND xã không lập kế hoạch cưỡng chế, UBND huyện sẽ tiến hành các bước theo quy định để tổ chức cưỡng chế trong tháng 5, đồng thời sẽ kỷ luật cán bộ xã, huyện có liên quan" - ông Hoàng khẳng định.

Thực tế, tình trạng lò gạch thủ công vẫn đang hoạt động trên địa bàn huyện Đan Phượng đã gây bất bình trong dư luận. Đề nghị UBND huyện Đan Phượng có hướng giải tỏa dứt điểm để người dân yên tâm sinh sống.