Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao lò gạch trái phép vẫn... nhả khói?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị số ra ngày 16/10 có bài: "Xử lý lò gạch trái phép tại huyện Quốc Oai: 4 chủ lò bất hợp tác với cơ quan chức năng". Qua xác minh, sau khi cơ quan chức năng thiết lập hồ sơ xử lý, song 4 lò gạch tại xã Hòa Thạch vẫn "nhả khói" thách thức pháp luật.

Thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn, sau nhiều lần tuyên truyền, giữa năm 2011, 25 lò gạch thủ công tại xã Hòa Thạch đã được các chủ lò tự tháo dỡ. Cùng thời gian này, các ông gồm: Lê Ngọc Đài, Nguyễn Văn Hoa, Đào Xuân Cát, Đào Văn Rồng có đơn đề nghị UBND huyện cho xây lò gạch công nghệ tiến tiến xử lý khói thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu Đầm Lát rộng 12ha và đã được chấp thuận. Tiếp đó, UBND huyện yêu cầu các phòng chuyên môn và UBND xã hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục xây dựng theo quy định.  Qua đó, từ giữa năm 2011 đến cuối năm 2012, các chủ lò tiến hành xây dựng vỏ lò đốt gạch thử nghiệm theo công nghệ tiên tiến do trường ĐH Bách Khoa và Công ty TNHH Đức Trung nghiên cứu thiết kế như đã được chấp thuận. Tuy nhiên, khi xây dựng 6 vỏ lò, các chủ lò đã không xin cấp phép xây dựng. Ngoài ra, ông Hoa còn tự ý xây vỏ lò theo công nghệ hoopman (lò vòng) không đúng với công nghệ xây dựng lò gạch xử lý khói thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường như hồ sơ thiết kế đã được thẩm định.   
Các lò gạch tại khu Đầm Lát vẫn nhả khói.
Các lò gạch tại khu Đầm Lát vẫn nhả khói.
Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch Đỗ Văn Cảnh cho biết, do khu Đầm Lát canh tác không hiệu quả, lại nằm xa khu dân cư và ven sông Tích nên Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Trúc cho thuê làm bãi sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt, vào năm 2011, khu Đầm Lát được UBND huyện quy hoạch thành khu sản xuất vật liệu xây dựng trong đề án xây dựng nông thôn mới. Ông Cảnh lý giải, việc tổ liên ngành yêu cầu UBND xã ra quyết định đình chỉ hoạt động của các lò gạch, nhưng địa phương vẫn chưa thực hiện là do năm 2011, UBND huyện có các văn bản đồng ý cho 4 chủ lò thử nghiệm đốt gạch bằng công nghệ tiên tiến, nhưng không thể hiện thời gian kết thúc nên UBND xã không có cơ sở để ra quyết định đình chỉ sản xuất. Khi nào UBND huyện có văn bản giao nhiệm vụ xử lý vi phạm, UBND xã mới ra thông báo yêu cầu chủ lò ngừng hoạt động chờ xử lý.

Phó Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, ngày 22/11/2013, phòng chuyên môn và UBND xã kiểm tra, đánh giá quá trình hoạt động thử nghiệm đã yêu cầu các chủ lò hoàn thiện thủ tục cấp phép xây dựng, thực hiện tốt cam kết về môi trường. Đầu năm 2014, các chủ lò hoàn thiện hồ sơ, nhưng trong quá trình thẩm định, phòng chuyên môn phát hiện vị trí đường giao thông, diện tích các lò gạch không khớp với thiết kế. "Tuy tổ công tác đã yêu cầu đình chỉ hoạt động của các lò gạch, nhưng UBND xã không thực hiện, đồng thời đưa ra lý do chờ UBND huyện chỉ đạo, như vậy là đùn đẩy trách nhiệm. Để xảy ra vi phạm kéo dài, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã" - ông Thắm khẳng định.

Trước đó, như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, ngày 1/10/2014, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, yêu cầu chủ lò ngừng hoạt động và hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép xây dựng. Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã có Công văn số 627/TTr-CN2 (ngày 10/10/2014) đề nghị: UBND huyện Quốc Oai chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND xã Hòa Thạch thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm. Ngày 15/10, UBND huyện có Văn bản số 1236/UBND-TTXD yêu cầu UBND xã ra quyết định đình chỉ hoạt động của các lò gạch tại khu Đầm Lát xong trước ngày 20/10. Được biết, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã thiết lập hồ sơ và có báo cáo lên Thanh tra Sở Xây dựng vào ngày 21/10.

 Tuy nhiên, những ngày qua, phóng viên có mặt tại khu Đầm Lát vẫn thấy các lò gạch "nhả khói". Hơn 1km đường đê ven sông Tích ra vào khu lò gạch luôn có xe ô tô chở vật liệu chạy qua khiến bụi bay mù mịt.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.