Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh bàn về cuộc khủng hoảng di cư đang xem xét cung cấp hỗ trợ chính trị bao gồm việc miễn thị thực đến châu Âu cho người Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2016 và một gói hỗ trợ 3 tỷ Euro.
Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels đã đồng ý cung cấp sự hỗ trợ chính trị vào bản dự thảo thỏa thuận viện trợ, bao gồm cung cấp cho chính quyền Ankara 3 tỷ Euro để cải thiện sự chăm sóc cho những người tị nạn, miễn thị thực du lịch châu Âu cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2016 và nối lại đàm phán trở thành thành viên EU của nước này.
Các động thái này, cùng với những ưu đãi khác, được coi như là một nỗ lực tuyệt vọng để đạt được sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Trong khi các quan chức EU chỉ đưa ra một lời đề nghị khoảng 500 triệu Euro viện trợ từ ngân sách, Thủ tướng Đức lại cho rằng, một khoản hỗ trợ lớn hơn đang được xem xét.
Ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nói rằng mục đích của hiệp ước được đề xuất là để giữ hơn 2 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn cản họ tiến vào châu Âu.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, phát biểu trên truyền hình vào thứ năm, Thủ tướng Ahmet Davutoglu cho biết, chính phủ nước này sẽ không thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào mà không có thay đổi cụ thể về chính sách visa với EU.
Ngày Chủ nhật, bà Merkel sẽ đến Istanbul để hội đàm với Tổng thống Erdoğan và Thủ tướng Davutoglu, báo hiệu rằng vị nữ Thủ tướng Đức đã sẵn sàng tiếp cận với Thổ Nhĩ Kỳ, ghi nhận vai trò quan trọng của quốc gia này trong nỗ lực hạn chế hàng ngàn người người di cư đang đến Đức hằng ngày.
Các quan chức ở Berlin đánh giá, chuyến thăm của bà Merkel là cần thiết nhằm cải thiện thông tin liên lạc tại giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi quốc gia này đang là điểm trung chuyển lớn nhất của 700.000 người di cư đã tiến vào EU trong năm nay.
Các nhà quan sát cho rằng, bà Merkel có thể thực hiện bất kỳ nhượng bộ nào đối với Thổ Nhĩ Kỳ, như là một động thái nhằm lấy lại sự ủng hộ trước cuộc bầu cử, sau khi bị chỉ trích dữ dội ngay trong nước Đức bởi những chính sách “hào phóng” đối với người di cư, dẫn đến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm.
Trong những ngày gần đây, bà Merkel đã nhiều lần đề cập đến vai trò chiến lược và quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong tình hình hiện nay, và cho thấy các tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về yêu cầu nới lỏng các quy định cấp visa, đổi lại là các hợp tác về vấn đề di cư.
Tuy nhiên, các điều khoản này vẫn đang gây nhiều tranh cãi, bởi các tổ chức nhân quyền e ngại, để có được sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, EU có thể sẽ “làm ngơ” trước nhiều vấn đề nhân quyền đáng ngại của quốc gia này.