Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao tỷ giá liên ngân hàng liên tục tăng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những phiên gần đây, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng khá mạnh.

KTĐT - Trong những phiên gần đây, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng khá mạnh.

Tỷ giá đồng USD được NHNN công bố tham khảo cho các NH phiên ngày 31/3 tiếp tục tăng thêm 5 đồng/USD, lên 20.703 đồng/USD. Tỷ giá trần áp dụng cho các NH thương mại là 20.910 đồng/USD. Như vậy, chỉ trong hai ngày cuối tháng 3, tỷ giá USD liên ngân hàng lên thêm 15 đồng/USD, trong đó kể từ đầu tháng đã 3 lần điều chỉnh tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng tăng mạnh 10 đồng/USD.


Cầu ngoại tệ vẫn cao


Đây cũng là thời điểm Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ được thực hiện linh hoạt, theo cả hai chiều tăng, giảm, với biên độ khá rộng cho phù hợp với cung cầu. Theo một số NH, nguyên nhân đẩy tỷ giá liên ngân hàng tăng là do nhu cầu ngoại tệ vẫn ở mức cao. Theo NHNN, thực tế nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân (bao gồm nhu cầu đi chữa bệnh, công tác, học tập, du lịch nước ngoài…) không nhiều đến mức có thể gây bất ổn tỷ giá. Thống kê 5 năm gần đây cho thấy, tổng số lượng các NHTM bán ra để đáp ứng nhu cầu của người dân chỉ khoảng 250 - 270 triệu USD, quá nhỏ so với lượng ngoại tệ người dân bán cho các NHTM. Nhu cầu ngoại tệ lớn hiện nay xuất phát chủ yếu từ doanh nghiệp.


Không ít nhà nhập khẩu đã tăng cường mua ngoại tệ vì giá nguyên vật liệu thế giới đang tăng, họ tranh thủ nhập sớm để tránh giá cao. Thêm vào đó, không thể không tính đến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao đang và sẽ tác động đến tỷ giá. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra con số tăng trưởng tín dụng đến ngày 10/3/2011 là 3,68% so với cuối năm 2010. Sắp tới, chỉ những đối tượng có nguồn thu ngoại tệ mới được vay ngoại tệ, số DN còn lại sẽ chuyển sang quan hệ mua bán. Những DN Việt Nam đầu tư nước ngoài, thay vì vay USD nay sẽ phải mua USD hoặc sử dụng nguồn ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi của mình để đầu tư. Sự chuyển đổi quan hệ gửi vay sang mua bán có thể đẩy cầu ngoại tệ lên trong thời gian đầu.


Khơi thông nguồn cung


Theo phản ánh của nhiều ngân hàng, hiện lượng ngoại tệ gửi vào tăng, nhưng số bán lại cho NH không tăng nhiều. Giá niêm yết chính thức thấp khiến người dân không mặn mà với việc bán ngoại tệ cho NH và các đại lý thu đổi ngoại tệ.


Ngày 30/3, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, số dư tiền gửi ngoại tệ của các Tập đoàn, TCty Nhà nước trong hệ thống NH hiện là 1,61 tỷ USD. Trong đó có 376 triệu USD là tiền gửi có kỳ hạn. NHNN đang xin phép Chính phủ để bán số tiền gửi có kỳ hạn này nhằm tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Một giải pháp đang được NHNN tính đến là đề xuất với chính phủ cho phép doanh nghiệp và NH thỏa thuận tỷ giá, giao dịch mua bán kỳ hạn (forward) từ 3 đến một năm. Như vậy, áp lực mua ngoại tệ để tích trữ cũng như việc găm giữ ngoại tệ sẽ giảm đi.


Thống đốc cho biết, việc thu phí ngoại tệ đã có nhiều quốc gia thực hiện và Việt Nam đang nghiên cứu. Nếu việc thu phí ngoại tệ là cần thiết thì NHNN sẽ ban hành quy định cụ thể trong thời gian tới.Thống đốc cũng khẳng định, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và NH đã thu hẹp đáng kể. Thời gian sau đó, khi cung cầu trên thị trường ngoại tệ cân bằng thì tỷ giá bình quân liên NH cũng thường xuyên trong xu hướng giảm nhẹ.