Sáng nay (6/11), tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, HĐND các cấp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Chúng ta đã có những tiến bộ đáng kể, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII. Tỷ lệ nữ đại diện ở HĐND cấp tỉnh, huyện và xã đều có tăng so với nhiệm kỳ trước đây.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, quá trình phấn đấu đạt được mục tiêu bình đẳng giới là lâu dài, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực trong việc ban hành và thực hiện chính sách. Cùng với đó là tìm ra các cơ chế thích hợp để phụ nữ và trẻ em gái được tham gia, được hưởng thụ một cách công bằng các thành quả của sự phát triển kinh tế xã hội mang lại.
Nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và mục tiêu phát triển sự nghiệp. Các yếu tố truyền thống, văn hóa, quan niệm và định kiến về giới vẫn còn tồn tại không chỉ từ xã hội, của gia đình, của nam giới đối với phụ nữ mà còn có chính bản thân phụ nữ.
Hơn nữa, chủ trương công tác cán bộ nữ chưa được quán triệt và được thực hiện đầy đủ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ. Ngoài ra, trong quy trình bầu cử chưa có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; thiếu cơ chế pháp lý cụ thể ràng buộc việc thực hiện tăng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử.
Tại buổi tọa đàm này, Phó Đại sứ Đại sứ quán Australia tại Việt Nam Lây-tơn-pai cho rằng: “Phụ nữ Việt Nam đã có những hoạt động xuất sắc trong công việc của mình. Nhiều phụ nữ Việt Nam có bằng cấp rất cao, cũng là những người lãnh đạo xuất chúng. Tuy nhiên, gần đây, Việt Nam có sự suy giảm phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động chính trị”.
Theo Phó Đại sứ Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, để Việt Nam đạt mục tiêu ít nhất 35% các ghế trong Quốc hội và HĐND là phụ nữ, Chính phủ Úc sẽ hỗ trợ Bộ LĐTBXH tăng cường năng lực của những phụ nữ xuất chúng ấy trên toàn Việt Nam thông qua nhiều khóa đào tạo sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
“Thông qua các khóa đào tạo, những người phụ nữ Việt Nam sẽ được bổ sung kiến thức và kỹ năng để có thể tăng cường khả năng của họ. Ví dụ như khả năng nói trước công chúng, khả năng tranh luận, khả năng về những vấn đề họ tin rằng đúng mặc dù những vấn đề đó chư được sự ủng hộ rộng rãi…” - ngài Lây - tơn - pai hy vọng.
Kinhtedothi - Vì sao Việt Nam chưa đạt tỷ lệ nữ dân cử? |