VIB, Techcombank có gì trước giờ “đổ bộ” Upcom?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian dài hệ thống ngân hàng “ngó lơ” với việc lên sàn, thậm chí có ngân hàng còn tính đến việc hủy niêm yết thì mới đây, hai ngân hàng là VIB và Techcombank đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và cấp mã chứng khoán.

Đây là bước đi quan trọng để cổ phiếu VIB, Techcombank chính thức gia nhập thị trường chứng khoán.

Từ ngày 12/12/2016,VSD nhận lưu ký 564.442.500 cổ phiếu VIB với mã chứng khoán VIB. Giá trị chứng khoán đăng ký hơn 5.644 tỷ đồng, tương đương hơn 5.644 tỷ đồng vốn điều lệ, hình thức đăng ký là ghi sổ.
Theo báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm của VIB, lợi nhuận sau thuế quý 3/2016 của ngân hàng này chỉ đạt 84,4 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng lãi 327 tỷ đồng. Trong quý 3, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt gần 804 tỷ đồng. Trong kỳ, ngân hàng phải trích chi phí dự phòng 184 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 84 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 327 tỷ đồng, tăng 6%. Tại thời điểm 30/9/2016, tổng tài sản VIB đạt 88.610 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Tín dụng ngân hàng đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tăng 12%; huy động khách hàng cũng tăng lên mức gần 60.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tính đến hết tháng 9 giảm xuống còn 2,07% so với cuối năm ngoái. Xét về số tuyệt đối thì nợ xấu tiếp tục tăng lên, ở mức khoảng 1.097 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 15,6%, cao hơn so với quy định của NHNN tối thiểu đảm bảo là 9%. Trong năm 2015 - 2016, VIB liên tục thực hiện kế hoạch tăng vốn từng bước thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Năm 2015, tăng vốn thêm 600 tỷ đồng. Đầu tháng 10/2016, VIB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ 4.845 tỷ đồng lên 5.644 tỷ đồng nhờ phát hành cổ phiếu thưởng. VIB đã thực hiện chi trả cổ tức 8,5% cho cổ đông năm 2015 bằng tiền mặt và dự kiến chi trả thêm 16,5% cổ phiếu thưởng trong năm 2016.
Về cơ cấu cổ đông, ngân hàng Commonwealth Bank of Australia hiện là cổ đông chiến lược, chiếm 20% vốn điều lệ của ngân hàng này. VIB đã chốt giới hạn sở hữu nước ngoài tại ngân hàng chỉ là 20,5%, do đó khi VIB lên sàn, sẽ còn rất ít cơ hội cho khối ngoại sở hữu cổ phần với số lượng chỉ còn 2,82 triệu cổ phiếu. Cổ đông lớn thứ hai là CTCP Đầu tư & thương mại hệ thống Quốc tế - Nettra với sở hữu 15% vốn điều lệ ngân hàng.

Ngoài VIB, ngày 13/12, VSD cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán số 188/2016/GCNCP-VSD ngày 12/12/2016 cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với mã chứng khoán TCB. VSD sẽ nhận lưu ký cổ phiếu TCB với tổng số lượng chứng khoán đăng ký là 887.807.871 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng. Như vậy, tổng giá trị chứng khoán đăng ký là hơn 8.878 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2016 và 9 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này tiếp tục giảm xuống còn 1,81%. Tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Techcombank đạt 2.864 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 222,770 tỷ, tăng 27%.

Trước đó, tại Đại hội Cổ đông hồi tháng 4/2016, Techcombank đã trình cổ đông về việc đăng ký chứng khoán tập trung tại VSD, đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết do HNX hoặc HOSE tổ chức.

Từ năm 2011 đến nay, ngân hàng này được coi là “quên” quyền lợi của cổ đông khi không chia một xu cổ tức cho cổ đông, trong khi thù lao của lãnh đạo vẫn cao. Theo lãnh đạo Techcombank, ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng năng lực cạnh tranh và chuẩn bị để áp dụng các chuẩn mực kế toán tuân theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.