Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc đừng xem nhẹ

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, bày tỏ trước vấn đề đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất làm việc cho các cơ quan tư pháp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã nhắc tới chủ trương đầu tư cho toà án cấp huyện, dù đã được Chính phủ đồng ý từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Điều này khiến tôi không khỏi suy nghĩ khi mà nhiều công trình văn hoá ở nước nhà được xây dựng đã tỏ rõ sự phô trương rất lãng phí, không nên có trong khi cái rất cần thì bị xem nhẹ, xao lãng...
 Ảnh minh họa
Sau khi trích dẫn việc mỗi năm toà án các cấp thụ lý khoảng 400.000 vụ án, trong đó án ly hôn chiếm khoảng 40%, Chánh án TAND Tối cao bày tỏ: Ly hôn vốn là nỗi đau của gia đình, xã hội, nhưng hiện tại ta vẫn xử trong các phòng truyền thống như những phiên toà hình sự là không đúng. Lẽ ra chúng ta phải triển khai xây dựng các phòng xét xử thân thiện...         
Người đứng đầu ngành tòa án cũng cho biết, trong những yêu cầu về cải cách tư pháp thì việc công khai bản án trên mạng, tiếp nhận và trả lời đơn qua mạng, triển khai phòng xét xử thân thiện đặt ra những yêu cầu rất lớn. "Nếu công khai 400.000 bản án/năm trên mạng thì máy chủ của TAND Tối cao chỉ trong một năm rưỡi là đầy. Luật quy định thì chúng ta phải làm, nếu không tập trung đầu tư sẽ vi phạm” - ông Nguyễn Hòa Bình băn khoăn.     
Từ câu chuyện có thật này, tôi mới hiểu rằng cách phân bổ ngân sách và cách nhìn nhận nội dung cần thiết trong đầu tư, xây dựng các loại của chúng ta đang có vấn đề đáng bàn.   
Chúng ta cũng đã từng biết, có giai đoạn kinh tế rất khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu công và giảm bớt các công trình xây dựng chưa thực sự cần. Ấy vậy mà có tỉnh nghèo ở phía Bác như Sơn La, năm 2015 vẫn xin T.Ư cho đầu tư xây dựng quần thể khu quảng trường và Tượng đài những 1.300 tỷ đồng một cách rất vô tư mặc dù đây là một tỉnh thuộc diện nghèo nhất nước. Với mong mỏi để tỉnh này có một điểm đến mang tính văn hoá cho đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc nói chung...
Tôi rất tâm đắc và cả sự nhức nhối rất muốn chia sẻ với phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi chủ trì buổi họp nói trên: "Chúng ta không thể chấp nhận được việc đất nước đã độc lập, hòa bình hơn 40 năm mà hiện vẫn còn 35 tòa án còn phải đi thuê nhà dân để xét xử". Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu là công trình mới, phải ưu tiên cho lĩnh vực tư pháp để hài hòa với các lĩnh vực khác.          
Tôi nghĩ điều này rất chính xác và mong các cơ quan tham mưu về ngân sách của Quốc hội và Chính phủ nên lưu ý. Một đất nước văn minh mà chúng ta thường thấy như ở phương Tây, tại sao khi người ta nhìn vào các trụ sở toà án, dù chỉ là của một TP nhỏ, một thị xã nhỏ nhưng sao cứ thấy nó uy nghi, bề thế đến vậy? Chuyện này là có lý của nó chứ không hề vô tình chút nào như ta nghĩ, bởi đó là tượng trưng cho sự quyền uy của bộ máy Nhà nước, của nơi phán xét và thi hành án...