Đúng như Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã nói trong cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội về vấn đề này: Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy là việc làm rất khó, vì đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của những đối tượng hưởng lương. Để triển khai thành công, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao độ, sự nhất trí, đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị, từ đó có quyết sách chính trị đúng đắn, thông tin minh bạch, rõ ràng.
Tinh giản biên chế từ lâu đã được đặt ra như một yêu cầu cấp bách, đã được hô hào, quyết tâm rất nhiều. Nhưng ở không ít nơi, càng thực hiện thì bộ máy lại càng phình to. Nguyên nhân cũng bởi việc nể nang, ngại va chạm, thậm chí có cả “này khác”, khiến không ít người từng hoài nghi rằng liệu thực tế có giảm được tình trạng lạm phát cấp phó, giảm được 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”… Nhưng tại Hà Nội, những con số được đưa ra qua rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy và biên chế cơ quan hành chính có thể khẳng định TP đã đạt được thành công bước đầu về tinh giản biên chế. Đến nay, toàn TP đã giảm được 55 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp; giảm 35 Trưởng phòng, ban; 136 Phó Trưởng phòng, ban. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định: Thời gian tới, Hà Nội sẽ giảm biên chế hơn nữa; lãnh đạo TP sẽ tiếp tục trực tiếp đối thoại với cán bộ chủ chốt các sở, phòng, ban, tạo sự đồng thuận, thông suốt.
Điều đó có thể thấy, tinh giản biên chế là một việc khó, đặc biệt với địa phương lớn như Hà Nội, nhưng không phải không làm được nếu có quyết tâm và giải pháp phù hợp. TP đã và sẽ kiên quyết đưa vào diện tinh giản biên chế những cán bộ, công chức nhiều năm liền không hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân kém; giảm bớt khâu trung gian; khắc phục tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu; xác định vị trí việc làm; tăng dần tự chủ kinh phí, giảm chi ngân sách…. Hà Nội sẽ làm với toàn bộ hệ thống các cơ quan và mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015 hoàn toàn khả thi.
Cùng với rất nhiều giải pháp quyết liệt, lãnh đạo TP cũng xác định rất rõ, việc tinh giản biên chế không nên để gây xáo trộn trong tâm lý cán bộ, đảm bảo thông suốt về mặt nhận thức. Qua đó mới có thể khắc phục được bất cập trong tuyển dụng, quản lý cán bộ là “có vào mà không có ra, có lên mà không có xuống”. Do đó, không thể nóng vội, phải làm từng bước, không thể nói cắt giảm là cắt ngay được vì suy cho cùng đây là việc liên quan đến con người, làm gì cũng phải có tình, có lý.
Và đằng sau đó, tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là đưa một số tỷ lệ nhất định ra khỏi đội ngũ, mà còn là việc thu hút những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào trong các cơ quan, tổ chức đó… để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ… Quan điểm TP là “không có vùng cấm đối với bất cứ ai, thậm chí cả lãnh đạo nếu người đó không làm tròn trách nhiệm. Chuyển từ quản lý đội ngũ cán bộ theo hệ thống chức nghiệp sang quản lý trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm…”, được nhiều người ủng hộ.
Trở lại câu nhận định của Trưởng ban Tổ chức T.Ư, tinh giản biên chế là một vấn đề khó. Nhưng từ thực tế Hà Nội có thể thấy không phải là không thể thành công nếu có quyết tâm cao và vai trò của người đứng đầu từng đơn vị được xác định rõ.