Việc kích hoạt Brexit phải được Quốc hội Anh phê chuẩn

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tòa án Tối cao Anh phán quyết, chính phủ Anh phải có sự phê chuẩn của Quốc hội mới được kích hoạt tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit.

Theo đó, đại diện Tòa án Tối cao Anh mới đây, đã bác bỏ lập luận cho rằng, chính quyền Thủ tướng Theresa May có thể đơn giản sử dụng quyền hành pháp được gọi là “đặc quyền hoàng gia” để tiến hành việc kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon và tiến hành cuộc đàm phán cho việc “ly hôn” với EU trong vòng hai năm.

 Brexit khó được kích hoạt nếu không có sự phê chuẩn của Quốc hội Anh.

Chánh án Tòa án Tối cao Anh David Neuberger tuyên bố: “Trong cuộc họp mới nhất, với đa số ủng hộ là 8:3, Tòa án Tối cao phán quyết rằng, Chính phủ Anh không thể kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon 2007 mà không có một Đạo luật của Quốc hội cho phép làm điều đó”.

Cũng theo ông Neuberger, Chính phủ Anh không có nghĩa vụ pháp lý tham vấn các cơ quan lập pháp ở Scotland, Bắc Ireland và Wales trước khi bắt đầu các cuộc thương lượng về Brexit.

Thủ tướng Theresa May đã nhiều lần tuyên bố, bà sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3/2017. Tuy nhiên, với việc vấp phải sự phản đối từ phía Tòa án Tối cao, khả năng kế hoạch của bà May có thể phải sửa đổi hoặc trì hoãn. Đây có thể coi là sự thất bại của Thủ tướng May.

Trước đó, Thủ tướng May quyết định theo đuổi kịch bản “Brexit cứng” đồng nghĩa với việc Xứ sở Sương mù không muốn tìm kiếm một cơ chế thành viên hợp tác hay thành viên một phần của EU. Thay vào đó, Anh sẽ hoàn toàn đứng ngoài EU như một đối tác độc lập và bình đẳng. Bà May cũng ngỏ ý muốn hợp tác với các quốc gia khác khi cam kết sẵn sàng ký kết các thỏa thuận mới với các nước trên thế giới.

Quyết định “Brexit cứng”, Anh có thể toàn quyền kiểm soát dòng người nhập cư vào nước này. Anh sẽ tự do tìm kiếm một thỏa thuận thương mại mà nước này mong muốn với EU. Và hơn hết, sự tự chủ này cũng có thể sẽ mang lại cho Anh những cơ hội mới, những “người bạn mới”, những đối tác tiềm năng mới. Tuy nhiên, động thái trên đã khiến Nhiều ngân hàng quốc tế muốn bắt đầu tính tới việc chuyển hoạt động ra khỏi Anh sang các nước khác trong EU. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần