Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Tony Abbott
Trong cuộc hội đàm ngày 18/3 tại Canberra, Thủ tướng Tony Abbott và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh sự phát triển cả về bề rộng và bề sâu của mối quan hệ Việt Nam - Australia và nhất trí nâng mối quan hệ này lên một tầm cao mới. Hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn và tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện hiện nay, phù hợp với bản chất chiến lược ngày càng gia tăng của quan hệ hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Australia từ ngày 16-18/3/2015 trên tư cách là khách mời của Chính phủ Australia. Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ là đoàn đại biểu các Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Chính phủ và nhiều đại diện doanh nghiệp. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều cuộc gặp và tiếp xúc song phương với các Lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng của Australia.
Tại các cuộc hội đàm, Thủ tướng Tony Abbott và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thảo luận nhiều vấn đề ưu tiên, quan trọng, trong đó có thương mại, đầu tư, giáo dục, hợp tác phát triển, quốc phòng, vấn đề Biển Đông, và các cam kết chung của hai bên trong việc tăng cường vai trò chiến lược và thúc đẩy an ninh của Cấp cao Đông Á (EAS).
Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết Tuyên bố về tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Australia, đề ra một chương trình nghị sự có tính chiến lược ở tầm cao để phát triển quan hệ trong thời gian tới. Tuyên bố bao gồm hợp tác khu vực và quốc tế, phát triển thương mại, đầu tư và công nghiệp, hợp tác phát triển, hợp tác về quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật.
Hai Bộ trưởng Ngoại giao sẽ ký kết một bản Chương trình Hành động mới trong năm 2015, đề ra các bước triển khai cụ thể trên thực tế trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên với trọng tâm mới.
Nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực rà phá bom mìn, gìn giữ hoà bình, thoả thuận lao động kỳ nghỉ và phòng chống buôn bán người đã được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên kết mạnh mẽ về chính trị, bao gồm việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Australia Andrew Robb sẽ dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp tới thăm Việt Nam trong nửa cuối năm 2015 nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Tony Abbott nhất trí tiếp tục những nỗ lực nhằm sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ghi nhận rằng những thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Australia sẵn sàng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức các cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2017.
Thủ tướng hai nước kêu gọi tất cả các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và không có những hành động làm căng thẳng thêm tình hình khu vực, trong đó có việc thông qua áp đặt hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương thay đổi nguyên trạng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Tony Abbott nhất trí cần cấp thiết xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc đối thoại với các doanh nghiệp tại Sydney. Cùng dự với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp của Việt Nam và Australia. Đây là sự kiện phản ánh tiềm năng thương mại to lớn giữa hai nước. Xem trọng mối quan hệ ngày càng lớn mạnh giữa nhân dân hai nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ các sinh viên Australia có kế hoạch đến sống, làm việc và học tập tại Việt Nam theo Chương trình Colombo Mới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã trồng cây tại Vườn ươm quốc gia ở Canberra. Đó là loài cây keo là kết quả hợp tác của các nhà khoa học Việt Nam và Australia.
Tại Canberra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ Viện và Lãnh đạo Đảng đối lập. Tại Sydney, Thủ tướng Chính phủ đã hội kiến với Toàn quyền Australia và Thống đốc Bang New South Wales.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã mời Thủ Tướng Tony Abbott sang thăm Việt Nam và Thủ tướng Tony Abbott đã vui mừng nhận lời mời.
CANBERRA, ngày 18 tháng 3 năm 2015
NỘI DUNG CHÍNH CỦA TUYÊN BỐ VỀ TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - AUSTRALIA
Quan hệ Việt Nam - Australia xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung. Quan hệ đó góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của mỗi nước, trong khu vực, trên thế giới. Ngày 7/9/2009, nhằm tăng cường và củng cố quan hệ song phương, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Australia. Năm tiếp theo, hai nước đã nhất trí xây dựng Chương trình Hành động Việt Nam - Australia giai đoạn 2010-2013 nhằm tạo khuôn khổ thúc đẩy triển khai các lĩnh vực hợp tác của quan hệ Đối tác Toàn diện.
Ghi nhận những chuyển biến về kinh tế và chiến lược tại khu vực từ năm 2009, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Australia cam kết tiếp tục phát huy những thành quả của quan hệ Đối tác Toàn diện và Chương trình Hành động ban đầu thông qua Tuyên bố về tăng cường Đối tác toàn diện này đã được cập nhật nhằm phản ánh những biến chuyển trong khu vực hiện nay cũng như mối quan hệ song phương đang ngày càng phát triển ổn định. Hai nước sẽ xây dựng Chương trình Hành động thứ hai nhằm triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên với trọng tâm mới.
Việt Nam và Australia có lợi ích chung trong việc duy trì an ninh, ổn định và tăng trưởng kinh tế ở khu vực. Một môi trường khu vực an toàn và ổn định tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Hai bên cùng thừa nhận còn những thách thức lớn đối với việc xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Việt Nam và Australia có chung mục tiêu trong việc tăng cường và phát triển các thể chế khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy các lợi ích chung về chính trị, kinh tế và an ninh. Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục hợp tác trong việc định hình tương lai khu vực và môi trường toàn cầu. Hai bên nhận thấy tầm quan trọng của một cấu trúc khu vực phù hợp, đặc biệt là ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - TBD (APEC) và Cấp cao Đông Á (EAS), nhằm giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến khu vực.
Chính phủ Australia và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam nhấn mạnh cần có một hệ thống thương mại đa phương vận hành trên cơ sở pháp luật nhằm tạo nền tảng cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng và phát triển lành mạnh. Hai bên cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại - đầu tư song phương và tạo điều kiện tốt nhất có thể cho hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Australia ghi nhận và ủng hộ Việt Nam trong việc đạt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững nhằm mang lại lợi ích cho đất nước và người dân Việt Nam.
Tuyên bố về tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Australia được xây dựng nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ vững mạnh giữa Việt Nam và Australia, và thực hiện những nguyên tắc mang lại lợi ích chung cho khu vực như đã nêu ở trên. Cụ thể, Tuyên bố này tạo dựng khuôn khổ thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trên các lĩnh vực chủ chốt sau:
1. Hợp tác Song phương
- Việt Nam và Australia ghi nhận tầm quan trọng của đối thoại chính trị cấp cao nhằm thúc đẩy hợp tác song phương và tiếp tục đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao và đối thoại cấp làm việc giữa Đảng Cộng sản, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam với các chính đảng, Chính phủ và Nghị viện Australia. Hai nước cùng chia sẻ những lợi ích chung vì hòa bình và an ninh khu vực; khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại và hợp tác về các vấn đề quốc phòng, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực, thực thi pháp luật và chống tội phạm xuyên quốc gia.
- Việt Nam và Australia đánh giá cao đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Australia và cộng đồng người Australia tại Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế xã hội của hai nước, cũng như trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác. Đồng thời, hai bên cam kết tăng cường những mối lien kết mạnh mẽ giữa nhân dân hai nước thông qua việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
- Việt Nam và Australia khẳng định sẽ mở rộng hợp tác khoa học cùng có lợi giữa hai bên; cam kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề, đẩy mạnh liên kết giáo dục thông qua triển khai quan hệ đối tác giữa các cơ sở giáo dục và triển khai kế hoạch Colombo mới; tái khẳng định cam kết đẩy mạnh hợp tác về luật pháp và tư pháp; khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ cùng có lợi này trên các lĩnh vực như tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm, kiểm dịch và nghiên cứu nông nghiệp.
- Việt Nam và Australia nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tài nguyên - môi trường, tài chính, thông tin truyền thông, và lãnh sự.
2. Hợp tác Khu vực và Quốc tế
- Việt Nam và Australia ghi nhận an ninh và thịnh vượng của hai nước gắn liền với ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; khẳng định sẽ cùng hợp tác tại các diễn đàn khu vực nhằm tiếp tục xây dựng một cấu trúc hỗ trợ cho an ninh, ổn định, hợp tác về môi trường và thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột trong khu vực.
- Việt Nam và Australia sẽ hợp tác để củng cố hơn nữa các cấu trúc khu vực, bao gồm Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh khu vực. Hai nước cũng cam kết hợp tác chặt chẽ tại Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy các vấn đề cùng lợi ích và tăng cường tính hiệu quả của thể chế Liên hợp quốc.
- Việt Nam và Australia khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Hai nước kêu gọi các bên kiềm chế và tránh các hành động có thể gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hai nước nhất trí cần cấp thiết xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
- Hai bên cam kết tăng cường hợp trên các vấn đề khác như chống nạn buôn bán người và các hình thức nhập cư trái phép và thúc đẩy phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong.
3. Tăng trưởng Kinh tế và Phát triển Thương mại và công nghiệp
- Trên cơ sở ghi nhận nền kinh tế của Việt Nam và Australia có tính bổ sung cho nhau, hai bên sẽ phát triển và thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương trên những lĩnh vực chủ chốt; khuyến khích tăng cường luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài song phương; cam kết tiếp tục trao đổi thông tin về tiêu chuẩn, quy định, yêu cầu kỹ thuật đối với xuất nhập khẩu hàng hóa, và việc loại bỏ những thủ tục kiểm soát song trùng không cần thiết có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nước.
- Việt Nam và Australia cam kết tăng cường hợp tác và tiếp tục nỗ lực nhanh chóng hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hai bên ghi nhận tầm quan trọng cũng như các cơ hội do Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại.
- Ghi nhận tầm quan trọng của khu vực tư nhân, với vai trò là động lực tăng trưởng và tạo việc làm, hai bên sẽ thúc đẩy trao đổi song phương về các vấn đề như cải cách hệ thống, minh bạch hóa chính sách cạnh tranh và thị trường, và vai trò của các biện pháp này trong thúc đẩy phát triển kinh tế.
4. Hợp tác Phát triển
- Australia ghi nhận những thành tựu vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo từ những năm 1990 cũng như những mục tiêu phát triển hiện nay và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (2011-2020), bao gồm ba lĩnh vực đột phá về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao kỹ năng; cải cách các thể chế thị trường; và phát triển cơ sở hạ tầng.
- Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tận dụng các cơ hội trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Australia sẽ tiếp tục giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển và mục tiêu đề ra là cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; tạo dựng tăng trưởng và tự cường kinh tế, cũng như nâng cao khả năng tham gia một cách cạnh tranh vào thương mại toàn cầu; và triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế.
- Việt Nam và Australia sẽ duy trì các đối thoại thường niên về viện trợ phát triển.
5. Hợp tác quốc phòng, thực thi pháp luật và an ninh
- Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục đối thoại và hợp tác về các vấn đề quốc phòng an ninh, thông qua các cơ chế hợp tác đa phương và song phương hiện có; cam kết thúc đẩy hợp tác và cởi mở hơn trong quan hệ quốc phòng thông qua việc tiếp tục trao đổi nhân sự, đào tạo sỹ quan và tàu hải quân sang thăm lẫn nhau.
- Việt Nam và Australia sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực khác như an ninh hàng không và hàng hải, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, lực lượng đặc nhiệm và các vấn đề liên quan đến hậu quả chiến tranh.
- Việt Nam và Australia ghi nhận nguy cơ nghiêm trọng và ngày càng gia tăng của tội phạm xuyên quốc gia cũng như tầm quan trọng của việc tăng cường chia sẻ thông tin và trao đổi tình báo. Hai nước cam kết đẩy mạnh hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, bao gồm buôn bán người, buôn bán ma túy, rửa tiền và tội phạm công nghệ cao.
- Việt Nam và Australia ghi nhận các thách thức khác như an ninh lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ dịch bệnh và thiên tai. Hai bên sẽ hợp tác giải quyết các thách thức này cả trong khuôn khổ song phương và tại các diễn đàn quốc tế./.