|
Với thương mại hàng hóa thì gần như 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình. Đối với các nước phát triển thì lộ trình ngắn hơn, thường khoảng 7 năm, còn các nước đang phát triển thì lộ trình dài hơn, phù hợp với điều kiện phát triển. Cơ bản các nước sẽ giảm thuế cho Việt Nam về 0% đối với tất cả các mặt hàng.
Ngoài lĩnh vực hàng hóa thì nhiều lĩnh vực khác có cơ hội cho Việt Nam như: Dịch vụ, đầu tư, mua sắm công của các nước. Đơn cử như trước đây, ta không chú ý nhiều đến mua sắm công của các nước, nhưng gần đây đã vươn ra mua sắm công ở nước bên ngoài, chẳng hạn như Tập đoàn FPT có dịch vụ phần mềm tại Nhật Bản...
“Việc tham gia còn khẳng định chủ trương của Việt Nam về cải cách để hội nhập, qua đó Việt Nam có định vị về cách thức cải cách trong tương lai theo hướng dễ tiên liệu và phù hợp tiêu chuẩn đã được các nước thành công trong quá khứ áp dụng, giúp tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh… Đây là lợi ích gián tiếp”, ông Lương Hoàng Thái nói.
Chưa kể, khi triển khai hiệu quả, hiệp định còn có lợi ích khác như lợi ích từ phi thuế quan. Chưa có công cụ chỉ ra lợi ích từ việc phi thuế quan mang lại khi tham gia hiệp định, nhưng trên thực tế ta thấy là khi các nước có hiệp định thương mại tự do với nhau tức chấp nhận luật chơi chung, có chất lượng quản lý, thương mại, nội dung quan tâm phát triển thì có sự tin tưởng nhau hơn nên nhiều trường hợp rào cản phi thuế quan giữa các nước giảm đi nhiều.
Đơn cử như thời gian trung bình để 1 nước công nhận 1 mặt hàng tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đi vào nước họ đối với nước trong FTA giảm 3 lần so với nước không có FTA gặp phải.
Về việc chuẩn bị của DN tùy từng ngành, từng lĩnh vực, đơn cử, Việt Nam tham gia FTA ASEAN với Australia và New Zealand, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam không thể cạnh tranh được trong ngành sữa với 2 nước này, vì chi phí của họ thuộc loại rẻ nhất thế giới. Khi Việt Nam đưa thuế về 0% thì ngành đó không phát triển được.
Thực tế thì ngành sữa vươn lên phát triển mạnh hơn. Tất nhiên có những ngành vẫn không cạnh tranh được. Nếu không cạnh tranh được thì từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong những ngành ta có lợi thế cạnh tranh tốt nhất.
CPTPP đưa ra lộ trình cắt giảm thuế tương đối dài để DN chuẩn bị. Một nhóm DN ở thế yếu hơn so với các DN khác là DN nhỏ và vừa. Theo chỉ đạo ban đầu của Chính phủ thì đây là nhóm cần đặc biệt lưu ý, làm sao để họ tận dụng cơ hội và điều chỉnh cạnh tranh.