Đây là diễn đàn thường niên thay thế Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) hàng năm (trước đó từng là Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG). VRDF lần thứ nhất này có chủ đề "Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự.
Chủ động thích nghi với thay đổi
Báo cáo tại Diễn đàn, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2018 kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khả quan, thu nhập bình quân đầu người dự kiến chạm mốc 2.540 USD/năm. Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát dưới 4%, bội chi ngân sách được duy trì ở mức dưới 4%, nợ công, nợ Chính phủ được quản lý và giải quyết tốt…
“Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên toàn cầu. Khoảng cách phát triển giữa Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới nhờ vậy đã có sự thu hẹp một cách tương đối”. Tuy nhiên, Bộ trưởng KH&ĐT thừa nhận, so với thế giới và khu vực, thì Việt Nam “vẫn ở một khoảng cách khá xa về kinh tế”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chọn lựa một mô hình mới trong một hoàn cảnh mới là rất quan trọng khi mô hình dựa vào tài nguyên, nhân công giá rẻ không còn phù hợp, thay vào đó là dựa vào tri thức, khoa học công nghệ. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) của Việt Nam hiện chỉ bằng 12% tổng GNI của khu vực Đông Nam Á. GNI bình quân đầu người của Việt Nam cũng chỉ cao hơn của Campuchia, Myanmar và Đông - Timo trong số 11 nước trong khu vực. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong quá trình phát triển, nhất là khi Báo cáo Việt Nam 2035 đã đặt ra khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, với mục tiêu Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10.000 USD/người/năm tính theo giá hiện hành.
VRDF lần thứ nhất có chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới”. Diễn đàn được tổ chức với tư tưởng xuyên suốt là “cải cách” và “phát triển”. theo đó tập trung vào những vấn đề nóng cần giải quyết bằng các biện pháp mới có tác động sâu rộng, liên tục và lâu dài tới sự phát triển đất nước để từng bước biến khát vọng của Việt Nam thành hiện thực. Mục tiêu chung của VRDF xuất phát từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng)…
Ông Sudhir Shetty- chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho rằng, Việt Nam cũng đang đối mặt với những rủi ro, thách thức mới. Chẳng hạn, xu hướng giảm tốc của kinh tế toàn cầu, sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ, sự biến động của các thị trường tài chính thế giới… Tất cả sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bởi vậy, ông Sudhir Shetty cho rằng, Việt Nam phải có những định hướng chính sách mới, để làm sao giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn, cũng như tiếp tục cải cách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có cải cách về chính sách thương mại và đầu tư…
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đánh giá, những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được rất nổi bật. Trong suốt 30 năm qua, nền kinh tế đã tăng trưởng trung bình gần 7%/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần. Việt Nam ngày nay đã nổi lên như một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và là nước xuất khẩu đang phát triển mạnh. Sự tăng trưởng của Việt Nam cũng có tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo đã giảm xuống dưới 7%, so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980.
Nhưng hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu, và những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Trong nước, Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm và đầu tư thấp, cũng như chi phí môi trường lên quá trình phát triển ngày càng lớn. Khi giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc này ở trong nước, Việt Nam cũng sẽ cần phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh thế giới đang thay đổi, nơi mà những chuyển đổi về mô hình thương mại toàn cầu và cuộc CMCN lần thứ tư vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới.
4 khuyến nghị cải cách, nâng cao nội lực
Trên cơ sở đó, đại diện WB đề xuất bốn ưu tiên chính. Thứ nhất, cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước sẽ cần phải được đẩy mạnh mạnh mẽ, để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho DN tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý. Song song với đó, cải cách DNNN nên tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị doanh nghiệp, thông qua Uỷ ban quản lý vốn nhà nước mới thành lập, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn, đặc biệt là những khoản đầu tư thương mại. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, cũng như chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này cuối cùng sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, mặc dù hiện tại còn nhiều hạn chế về tài chính, cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn có ý nghĩa rất quan trọng cho tăng trưởng trong tương lai. Cần quan tâm tới chất lượng tăng trưởng. Mặc dù ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng trọng yếu của quốc gia như Đường cao tốc Bắc - Nam, Đường sắt , Sân bay Long Thành và các cảng biển quan trọng, đầu tư cho các dự án riêng lẻ như thế này cần được nằm trong chiến lược tổng thể về kết nối vận tải đa phương thức.
Đứng trước những khó khăn về tài chính, việc giải phóng nguồn đầu tư tư nhân có thể có ý nghĩa to lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cao của Việt Nam. Cho dù một khuôn khổ hợp tác công tư (PPP) vững chắc có thể giúp giải quyết vấn đề này, cải cách cơ cấu mạnh mẽ trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng, như sản xuất điện, có thể giúp thiết lập thị trường cạnh tranh cho dịch vụ cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân.
Thứ ba, chúng ta không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong Chỉ số Vốn Con người mới công bố gần đây của Nhóm WB, Việt Nam đứng thứ 48 trong số 157 nước. Đây là thành tựu lớn, và Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong giáo dục phổ thông. Nhưng còn cần những kiến thức và kỹ năng của thế kỷ 21 để năng suất lao động cao hơn. Điều này đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng và sự phù hợp của giáo dục đại học và dạy nghề. Ngoài ra, việc xây dựng một khuôn khổ thể chế và cơ chế khuyến khích hiệu quả để đổi mới - lấy các công ty tư nhân làm trung tâm - cũng có tác động lớn đến sự phát triển trong tương lai.
Thứ tư, sự tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam đang tạo ra chi phí môi trường ngày càng lớn. Có thể thấy rõ điều này với sự suy thoái đất và xói mòn đất, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí ngày càng tăng nhanh, làm suy thoái nguồn nước, phá rừng và gây áp lực lên đa dạng sinh học. Tốc độ phát thải khí nhà kính đang vượt qua sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, thể hiện chủ yếu ở sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc sản xuất điện từ đốt nhiên liệu chứa hàm lượng các bon cao.
Theo Chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường do Đại học Yale xây dựng để xếp hạng 180 quốc gia trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 132. Những vấn đề môi trường ngày càng tăng này không chỉ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn. Hoạt động quản lý tài sản tự nhiên của Việt Nam và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và du lịch.
Tăng cường huy động vốn từ nguồn thu trong nước, bổ sung bằng những nỗ lực nâng cao hiệu quả chi tiêu và năng lực quản lý nợ, đóng vai trò quan trọng để đảm bảo có thể đạt được mục tiêu phát triển mà không tăng nợ đến mức không bền vững. Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là nguồn vốn ODA phải được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn để bổ sung nguồn vốn đầu tư công trong nước và tận dụng được những lợi ích phi thương mại, bí quyết kinh doanh và đầu tư tư nhân.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất theo ông Ousmane Dion, là để thực hiện 4 nội dung ưu tiên trên (khu vực tư nhân, cơ sở hạ tầng, vốn nhân lực và tăng trưởng xanh), sẽ cần những thể chế của nhà nước có năng lực và hiệu quả, tính minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm giải trình là những yếu tố cơ bản của sự phát triển.