Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam: Cẩn trọng tránh bẫy thu nhập trung bình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mức thu nhập đầu người của các quốc gia được chia làm ba mức thấp, trung bình và cao. Rất nhiều nước đã và đang phấn đấu vươn từ mức thu nhập thấp lên trung bình.

KTĐT - Mức thu nhập đầu người của các quốc gia được chia làm ba mức thấp, trung bình và cao. Rất nhiều nước đã và đang phấn đấu vươn từ mức thu nhập thấp lên trung bình.

Tuy chỉ mới "thò một chân" qua ngưỡng thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD, nhưng Việt Nam phải cẩn trọng tránh bẫy thu nhập trung bình, Ngân hàng Thế giới cảnh báo.



Việt Nam hướng tới thu nhập trên 2.000 USD vào năm 2015. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Việt Nam hướng tới thu nhập trên 2.000 USD vào năm 2015. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Ông Dương Đức Ưng, cố vấn chính sách cao cấp của Chính phủ nhận định Việt Nam chỉ mới "thò một chân" qua ngưỡng thu nhập trung bình khi thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt 1.000 USD một năm. Với con số này, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Việt Nam đang ở trình độ thu nhập trung bình thấp.

"Khi Việt Nam trên đà tiến lên thành nước có mức thu nhập trung bình, một nguy cơ mới xuất hiện đó là bẫy thu nhập trung bình, đe dọa nền kinh tế mắc kẹt trong tình trạng giẫm chân tại chỗ", bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cảnh báo tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ ngày 3/12 tại Hà Nội.

Mức thu nhập đầu người của các quốc gia được chia làm ba mức thấp, trung bình và cao. Rất nhiều nước đã và đang phấn đấu vươn từ mức thu nhập thấp lên trung bình. "Tuy nhiên, hầu như rất ít quốc gia chuyển tiếp thành công lên mức cao, luẩn quẩn trong cái bẫy thu nhập trung bình", ông Martin Rama, chuyên viên kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới giải thích.

Việt Nam: Cẩn trọng tránh bẫy thu nhập trung bình - Ảnh 1
Ông Martin Rama, chuyên viên kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (bên trái) ngồi cạnh Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Ayumi Koinishi tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ sáng 4/12 tại Hà Nội. Ảnh: T.B.

Để thoát bẫy thu nhập trung bình, chuyển lên mức thu nhập trung bình khá và cao, các quốc gia cần phải chuyên biệt về một lĩnh vực nào đó, nơi mà họ có thể gặt hái được thành công về kinh tế và dẫn đầu về công nghệ kỹ thuật.

Tuy nhiên, rất nhiều thách thức đặt ra, gây trở ngại cho quá trình đi lên, trong đó quan trọng nhất là chống tham nhũng. Ngoài ra, các quốc gia cần nâng cao kỹ năng và tính sáng tạo cho đội ngũ lao động, tạo ra một hệ thống tài chính hoạt động hiệu quả, duy trì ổn định xã hội. "Nếu không có những cải cách thể chế và chính sách thực sự, các nước sẽ chỉ loay hoay một chỗ và không tài nào bứt phá ra được mức thu nhập trung bình hoặc trung bình thấp", WB viết trong một báo cáo.

"Một vài trong số ít những trường hợp đã thoát bẫy thu nhập trung bình thành công là Hàn Quốc và Đài Loan", ông Martin Rama cho biết. Từ vị thế của người nhận viện trợ, nay Hàn Quốc đứng ở cương vị người hỗ trợ. Tháng 11 vừa rồi, Hàn Quốc trở thành thành viên thứ 24 của Ủy ban Hỗ trợ Phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển OECD. World Bank và các tổ chức khác đánh giá sự kiện này đánh dấu Hàn Quốc trở thành nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao.

"Việc chuyển tiếp từ thu nhập bình quân trung bình đến thu nhập cao là một quá trình lâu dài, nhưng vững chắc. Các quốc gia phải cần khoảng 50 năm mới đạt được danh hiệu này, đi kèm với nhiều nỗ lực. Thực tế thì Hàn Quốc đã đạt được mức thu nhập bình quân đầu người khá cao từ nhiều năm nay", ông Martin Rama cho biết.

Do đi sau thế giới, nên Việt Nam cần nỗ lực và sẽ mất nhiều thời gian để thoát khỏi cái bẫy này, ông Rama khẳng định Trong khi hầu hết sự chú ý của Chính phủ tập trung vào những thách thức ngắn hạn, Ngân hàng Thế giới khuyên Việt Nam cần lưu tâm đến những thách thức dài hạn như cải cách thể chế.

Báo cáo Phát triển Việt Nam do 14 tổ chức phát triển cùng soạn thảo gần đây nêu ra nhiều vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải tại Việt Nam. Trong đó có yêu cầu tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhận ra tầm quan trọng của thông tin, tăng cường cơ chế giám sát bên ngoài. "Những thách thức này hiển nhiên phức tạp hơn những thách thức liên quan đến quá trình phát triển ở trên, nhưng chúng là yếu tố cơ bản. Khi Việt Nam trở nên thịnh vượng, người dân sẽ ngày càng đòi hỏi cao", báo cáo của WB nhận định.