Diễn đàn năm nay dự kiến thu hút hơn 2.500 đại biểu đến từ 100 quốc gia sẽ tham gia 250 phiên thảo luận xoay quanh chủ đề "Tái định hình trật tự thế giới: Những tác động lên xã hội, chính trị và kinh tế". Theo WEF, cách biệt về tốc độ tăng trưởng giữa các nước ngày càng lớn và nhiều mô hình tăng trưởng dần mất tác dụng đã đặt ra thách thức về đẩy mạnh đà phục hồi và động lực cho kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, WEF sẽ thảo luận về tái định hướng các doanh nghiệp trong dài hạn và buộc chính phủ có trách nhiệm hơn với nền kinh tế; tìm cách thức phát triển bền vững, khi dân số toàn cầu dự đoán lên 9 tỷ người năm 2050 sẽ đe dọa tài nguyên và môi trường. Tại WEF lần này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát sẽ chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược phát triển cho lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Được triển khai từ năm 2010, Bộ NN&PTNN và WEF đã phối hợp thực hiện Sáng kiến Tầm nhìn mới cho ngành nông nghiệp với sự tham gia của hơn 50 tổ chức, trong đó có Bộ NN&PTNN Việt Nam, 17 công ty toàn cầu và 4 công ty Việt Nam cùng một số thành phần khác. Các nhóm này tập trung đầu tư, hỗ trợ cho 5 loại hàng hóa ưu tiên (thủy sản, cà phê, chè, khoai tây, ngô/đậu tương) với mục tiêu chính là đẩy mạnh sản xuất bền vững, đào tạo người nông dân và tài trợ cho nông nghiệp… Đến nay, sáng kiến này đã được thực hiện trong 3 nước của châu Á là Việt Nam, Indonesia và Myanmar. Với những thành công và hiệu quả thiết thực đã được ghi nhận tại Việt Nam, được sự đồng ý và hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN, WEF sẽ nâng sáng kiến này lên tầm khu vực với tên gọi "Grow Asia" và công bố chính thức tại WEF lần này.