Việt Nam có gian hàng quốc gia trên sàn thương mại điện tử Trung Quốc JD.com

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/11/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức họp báo công bố chương trình “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com.

Trong khuôn khổ hợp tác về thương mại điện tử cấp Chính phủ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Tập đoàn JD và các đối tác vận hành tại Việt Nam bao gồm: Vinanutrifood, Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post), VPBank, Visa hợp tác xây dựng và phát triển “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên nền tảng thương mại điện tử của JD, hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp ký kết hợp tác đưa hàng Việt lên ''Gian hàng Quốc gia Việt Nam'' trên sàn thương mại điện tử JD.com

Thực tế cho thấy thời gian qua, những tín hiệu tích cực từ “Gian hàng Việt trực tuyến” đã trở thành nền tảng, để xây dựng chương trình đưa hàng Việt đến với các thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Với mục tiêu hỗ trợ phát triển và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt ra thị trường nước ngoài thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới một cách hiệu quả hơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với Tập đoàn JD, các đối tác trong nước và quốc tế vận hành mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới B2B2C, thông qua “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com.
Cục trưởng Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, JD.com được ví như "gã khổng lồ" thương mại điện tử tại Trung Quốc. Doanh thu tại JD.com đạt 203,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 31,57 tỷ USD) trong quý I/ 2021, tăng 39% so với cùng kỳ.
"Gian hàng Quốc gia Việt Nam" tại JD.com sẽ là không gian hàng hoá Việt đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc, tạo thêm kênh tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tại thị trường quốc tế một cách hiệu quả.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm Việt Nam lên sàn thương mại điện tử, thời gian tới Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp, thương hiệu Việt tổ chức phân phối trên “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” theo đúng quy định của nền tảng thương mại điện tử, của luật pháp tại nước nhập khẩu. Đồng thời tìm kiếm các nguồn lực từ đối tác để quảng bá, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phân phối thuận lợi trên nền tảng thương mại điện tử của JD, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Người tiêu dùng mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.

Mặc dù gặp những ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 do dịch Covid-19, nhưng thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thương mại điện tử xuyên biên giới là phương thức kinh doanh phổ biến ở nhiều quốc gia. Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ gần đây. Theo số liệu của Trung Quốc, xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 đạt 1,69 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 31,1%. 
Tại thị trường EU, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ Euro, và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu.
Tỷ trọng thương mại điện tử xuyên biên giới trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trở lại đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (27,4%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020). Doanh thu thương mại điện tử giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần