Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị bên thềm sự kiện Internet Day 2015, Chủ tịch tập đoàn FPT khẳng định rằng, với kinh nghiệm đã từng tiếp xúc với nhiều quốc gia có nền CNTT phát triển trên thế giới, nhân lực CNTT của Việt Nam không hề thua kém bất cứ nước nào. Đặc biệt, cũng hiếm có quốc gia nào có nhiều nhân tài trẻ trong lĩnh vực CNTT như Việt Nam trong bối cảnh sân chơi cho các bạn trẻ này đang là rất khan hiếm.
Ông Bình cho rằng, để phát triển nền CNTT trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, lực lượng CNTT trẻ như nói trên đóng vai trò thiết yếu. Tuy nhiên chế độ đãi ngộ trong nước không đủ để lôi kéo những những đối tượng này, trong khi đó mức thu nhập từ các DN CNTT nước ngoài lại vô cùng hấp dẫn.
Tiêu biểu như Samsung, hãng này đang đầu tư rất mạnh vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, mặc dù có lượng lập trình viên lên tới 130.000 người nhưng họ vẫn có kế hoạch sẽ tuyển thêm vài nghìn người mỗi tháng, đây rõ ràng là cơ hội hấp dẫn đối với nhiều bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực CNTT của Việt Nam, ông Bình nêu ví dụ.
Cùng quan điểm về nguy cơ "chảy máu chất xám", nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) Mai Liêm Trực cho rằng, bên cạnh chế độ đãi ngộ, nguyên nhân cũng đến chính từ các cơ chế, chính sách dành cho lĩnh vực CNTT của Việt Nam.
Ông Trực chia sẻ bản thân cảm thấy "đau lòng" khi việc xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam mặc dù đang còn dang dở, trong khi đó, một DN trong nước là FPT đã chuyển giao nhiều công nghệ cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử của Singapore.
Cần phải có sự thay đổi về mặt cơ chế dành cho CNTT, nếu không các DN Việt, các nhân tài về CNTT sẽ mang chất xám của họ ra nước ngoài mà đáng nhẽ ra phải được dùng để phát triển đất nước, ông Trực khẳng định.
Cũng trong khuôn khổ Internet Day 2015, ông Trương Gia Bình chia sẻ thêm về lực lượng lao động CNTT của Việt Nam. Với thời đại "Internet of things” (Internet vạn vật) và đặc biệt là Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, cơ hội trong lĩnh vực CNTT dành cho nước ta đang là rất lớn. Không có quốc gia nào sở hữu nguồn nhân lực giá rẻ mà lại biết làm Internet of things như Việt Nam.
Mặc dù đây là lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ, bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, các quốc gia khác sẵn sàng đưa ra chế độ đãi ngộ cao hơn nhằm thu hút lực lượng lao động giá rẻ nhưng trình độ cao này. Ngay tại hiệp định với ASEAN đã cho phép lập trình viên Việt Nam tự do chuyển dịch lao động tới các quốc gia trong khối, điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho lực lượng lao động nhưng cũng đồng thời tạo ra sức ép lớn đối với các DN về nguồn nhân lực, ông Bình phân tích.
Ông Trương Gia Bình: Chế độ đãi ngộ trong nước chưa đủ để giữ chân người tài CNTT
|